Tết Việt Nam và Tết Do Thái

Lm Đinh Đức Hảo
Orinda, CA, Feb. 5, 2019

Vào dịp Tết, chúng ta thấy gắn bó với quê hương và dân tộc dù xa cách ngàn dặm, và dù cảm nghiệm về Tết ở quê nhà năm xưa có thể không còn giống với Tết hôm nay. Không gian và thời gian chẳng xóa nhòa được tâm tư hướng về cội nguồn của những ai vẫn coi mình là người Việt.

Là người Kitô hữu, chúng ta cũng có liên hệ với Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa và Con Loài Người. Nơi Ngài sinh trưởng là đất Do Thái, với văn hóa riêng và cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa vùng Địa Trung Hải. Vậy chúng ta thử tìm hiểu xem “Tết” Do Thái có ý nghĩa gì, và có gì tương đồng với Tết Việt Nam.

Tết Do Thái, gọi là “Rosh Hashanah” (nghĩa là “đầu năm”) được mừng vào đầu tháng Tishri, là tháng 7 trong lịch Do Thái, vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 dương lịch tùy theo phái Do Thái Giáo.

Rosh Hashanah gồm 10 ngày thống hối, kết thúc với ngày Yom Kippur, ngày đền bù tội lỗi qua việc cầu nguyện và ăn chay, là ngày trọng nhất trong niên lịch. Trong những ngày này dân Do Thái nhìn lại liên hệ với Thiên Chúa và với người khác, nhận trách nhiệm về những đau khổ gây ra cho nhau. Sách Talmud (ghi lại những luật truyền khẩu và giáo huấn Do Thái từ thế kỷ II) dạy rằng “Ngày Yom Kippur không tha thứ những lỗi phạm giữa người với người – cho đến khi con người tìm được ơn tha thứ từ (người bị xúc phạm).”

Ngày Rosh Hashanah còn được gọi là ngày Tưởng niệm hoặc ngày Thổi tù và.

Gọi là ngày Tưởng niệm vì họ tưởng nhớ việc Thiên Chúa sáng tạo thế giới, thời gian, và ý thức mình là dân được Ngài tuyển chọn. Tại lễ Tết Nguyên-đán, chúng ta cũng thường nghe bài đọc từ sách Sáng thế nói về việc Chúa tạo dựng mặt trời mặt trăng, ngày và đêm, hay là tạo dựng thời gian.

Vào ngày này, và khi kết thúc ngày Yom Kippur, họ thổi tù và “shofar” nhằm (1) cảnh báo rằng Thiên Chúa sẽ huỷ diệt sự dữ trên thế giới (còn dân Việt thì đốt pháo để xua trừ tà ma); và (2) cảnh tỉnh dân trong đời sống tâm linh.

Đó là Tết Do Thái với ý thức về liên hệ với Thiên Chúa và với con người. Còn Tết Việt Nam thì có nhiều điều để nói, trong đó có những ý nghĩa tương tự: tình người và sự sum họp, tế Trời và biết ơn Trời.

Tết là dịp sum họp gia đình, từ đó chúng ta thắt chặt tình thân với nhau, và bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những vị còn sống cũng như đã qua đời. Tết còn là cơ hội bày tỏ tâm tình rộng mở, hòa hợp với láng giềng, làng xóm, kể cả người xa lạ. Lại nữa, Tết nối kết chúng ta với Cha Trời, Mẹ Đất, mang lại sự trọn vẹn và hài hòa của liên hệ Thiên – Địa – Nhân.

Liên hệ dễ thấy nhất là liên hệ gia đình: ông bà, cha mẹ, con cháu tụ họp lại bên nhau, rồi bên cạnh là chú bác, cô dì, họ hàng. Quy tụ lại để chúc tuổi, mừng tuổi nhau, để quây quần bên mâm cơm ngày Tết hoặc thưởng thức bánh mứt, chén trà. Thiếu gia đình, thiếu những người thân yêu, thì dù chúng ta có mọi thứ như bánh chưng, pháo tết, quần áo đẹp, cũng chẳng có nghĩa lý gì.

Liên hệ nữa, tuy thiêng liêng, nhưng vẫn có đó: Người Việt mời cả người chết về ăn Tết qua việc cúng tổ tiên, ông bà, các vị anh hùng liệt nữ, những người đã khuất núi, theo câu “Sống tết, chết giỗ.” Các ngài chết nhưng vẫn có sự liên đới, hiệp thông với chúng ta. Khi đi viếng mộ ông bà, người ta cũng mang những món ăn mà các vị thích khi còn sống.

Đặc biệt là vào dịp Tết, người Việt còn ý thức về liên hệ với Ông Trời, như dân Do Thái nhớ đến Thiên Chúa vào dịp đầu năm của họ. Ðó là lễ tế Trời mà Cha Ðắc Lộ (Alexandre de Rhodes) vào thế kỷ XVII đã ghi nhận: Vào dịp Tết, người Việt tôn kính tổ tiên, ông bà đã qua đời; chúc thọ nhà vua “dân chi phụ mẫu,” và trên hết là tế Trời ở kinh đô do chính nhà vua, nhận mình là Thiên tử hay con Trời, làm chủ tế.

Trong mỗi Thánh lễ, đặc biệt dịp Tết, chúng ta quy tụ trước hết là để tế Trời, nhờ vị Thượng Tế là Chúa Giêsu, dâng lên Thiên Chúa, là Chủ thời gian, tâm tình tạ ơn vì năm đã qua, dâng lên niềm hy vọng về năm mới, quyết tâm canh tân như sự đổi mới trong thiên nhiên.

Trong Thánh lễ chúng ta cũng nhớ đến tổ tiên trong kinh nguyện Thánh thể, theo mầu nhiệm các thánh thông công. Trước Thánh lễ dịp Tết, nhiều cộng đoàn còn bày tỏ lòng tôn kính biết ơn với tổ tiên qua việc niệm hương trước bàn thờ các ngài.

Chúng ta cũng đến với Thánh lễ trong ý thức mình liên đới với cộng đoàn, với anh chị em chung quanh, cùng hòa lời kinh, tiếng hát dâng lên Thiên Chúa. Cao điểm của dây liên hệ này là khi chúng ta rước lễ, hiệp lễ. Chúng ta tuy nhiều và khác biệt nhưng chia sẻ cùng một tấm bánh, một chén rượu.

Không chỉ ngày Tết chúng ta mới nghĩ đến nhau, mới mong ước điều tốt đẹp cho nhau, mới hướng về Thiên Chúa mà cầu nguyện cho nhau. Cả cuộc sống mỗi ngày cũng cần được sống trong liên đới, hòa hợp với nhau, mở rộng cho xã hội, mở lòng cho chính Thiên Chúa. Đức Ðạt-lai Lạt-ma, người mà dân Tây Tạng coi là Phật sống, cũng nhấn mạnh đến sự liên đới giữa người với người trong cuốn sách “Ðạo lý cho thiên niên kỷ mới.”

Chớ gì chúng ta tận dụng thời giờ để sống cho Thiên Chúa và sống cho nhau, vì thời giờ giống như “hơi nước xuất hiện trong giây lát, rồi biến đi” như lời trong thư của Thánh Giacôbê (4,13b-15).

Trở Lại Trang Văn Hóa