Tết nhất không quên ơn Trời

Lm Đinh Đức Hảo
San Jose, CA, Feb. 9, 2019

Tết là dịp để mừng năm mới, để thắt chặt tình thân với gia đình bà con, cũng như tình liên đới với người khác. Tết còn nối kết chúng ta với tổ tiên và những người đã khuất núi, và cả với Trời, với Thượng Đế.
Lễ tế Trời vào dịp Tết là nghi lễ quan trọng bậc nhất thời quân chủ ở Việt Nam. Chỉ nhà vua, được coi là Thiên tử hay con Trời, mới có quyền tế lễ, nhằm khẳng định triều đại mình là chính thống, và mình tuân theo mệnh trời mà cai trị dân.

Ngay ở gần Hoa Lư, kinh đô đầu tiên sau khi Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, đã có đàn Kính Thiên Tràng An để tế Trời và cầu cho quốc thái dân an.

Cha Ðắc Lộ vào thế kỷ XVII, thời Hậu Lê, cũng đã ghi nhận lễ tế Trời vào dịp Tết ở Thăng Long, do chính nhà vua cử hành một cách long trọng.

Dưới triều Nguyễn, đàn tế Trời được xây dựng ở phía tây kinh thành Huế, sau đó lại dời về một vị trí phía nam, được gọi là đàn Nam Giao, cách kỳ đài 3 km theo đường chim bay. Trung tâm của đàn Nam Giao gồm ba tầng, xây theo hình tròn và hình vuông, tượng trưng cho Cha Trời và Mẹ Đất. Một rừng thông xanh bọc lấy khuôn viên Đàn Nam Giao, rộng 10 ha (mẫu tây). Lễ tế Trời cuối cùng là vào năm 1945, trước khi Vua Bảo Đại thoái vị.

Dịp Tết chúng ta không đến Nam Giao, nhưng tụ họp nhau trong nhà Chúa để nhờ vị Thượng tế Giêsu mà tế Trời, Đấng chúng ta gọi là Thiên Chúa, và trước đây tổ tiên chúng ta gọi là Đức Chúa Trời Đất. Chúng ta không phải là vua hay thuộc hoàng gia, nhưng thực là con Trời, con Chúa qua bí tích Thanh tẩy. Chúng ta bày tỏ lòng kính tôn và biết ơn đối với Đấng là nguồn mạch và cùng đích mọi loài, Đấng dựng nên mặt trời và mặt trăng, dựng nên thời gian, như lời sách Sáng thế.

Lòng kính tôn và biết ơn Thiên Chúa phải bắt nguồn từ cảm nghiệm của chúng ta về Ngài. Nếu chúng ta nghĩ về Thiên Chúa một cách đơn giản như Đấng ban phát ân huệ, chúng ta sẽ chỉ tìm đến Ngài để xin ơn khi cần, và nếu không được như ý thì thất vọng. Nhưng nếu tin Chúa là Cha giàu tình thương, chúng ta sẽ coi điều quan trọng nhất là sống thân tình với Ngài. Càng gần Chúa và hiểu Chúa, chúng ta sẽ càng tín nhiệm Ngài và sống mãi trong lòng biết ơn dù cuộc sống có chao đảo.

Trong đoạn Phúc âm hôm nay (Mátthêu 6:25-34), Chúa bốn lần nhắc chúng ta đừng lo. Điều đó không có nghĩa là chúng ta nhắm mắt trước thực tại và vô lo. Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta có những lo âu chính đáng, và những khó khăn lớn lao là có thật. Khi ấy chúng ta thấy mình quá mong manh.

Cũng có khi chúng ta tự làm khổ mình khi không biết đâu là đủ, do lòng ham muốn tham lam. Nếu biết đâu là đủ, chúng ta sẽ được tự do, được thong dong như lời một câu ca dao Việt Nam:
Nhờ Trời hạ kế sang đông.
Lúa khoai no đủ, thong dong con người.

Điều chính yếu ở đây mà Chúa Giêsu muốn nói, là chúng ta có một Hiền phụ rất quan tâm đến những nhu cầu của con người, biết chúng ta thật sự cần gì. Có lúc chúng ta phải sự khó, nhưng chúng ta biết mình không đơn độc, mà có một Đấng ở gần bên.

Trong ca dao Việt Nam lại có câu rất hay, diễn tả lối sống tin tưởng vào Trời và vào con người như sau:
Trời sinh có biển có nguồn
Có ta, có bạn, có buồn làm chi.

Thật vậy, có khi Thiên Chúa nâng đỡ, giúp đỡ chúng ta qua người thân yêu, người bạn, cả người xa lạ, mà chúng ta không ý thức. Có lẽ nhờ sự tương thân tương trợ trong bà con và cả hàng xóm theo truyền thống Việt Nam mà nhiều người tìm được sự an ủi, khuây khoả, nên ít khi tìm đến với những nhà chuyên môn về tâm lý.

Thánh Giacôbê lại nhắc chúng ta về một thực tại khác: “Anh chị em không biết cuộc đời mình ngày mai sẽ ra sao. Thật vậy, anh chị em chỉ là hơi nước xuất hiện trong giây lát, rồi lại tan biến đi” (Giacôbê 4:14). Nhưng có lúc chúng ta sống như cuộc đời mình không có tận cùng, và không nhận ra đâu là những giá trị quan trọng hơn của cuộc sống.

Một giá trị quan trọng là tình người, tình gia đình, qua đó chúng ta có thể cảm nghiệm chính sự hiện diện của Thiên Chúa. Ðức Ðạt-lai Lạt-ma, người mà dân Tây Tạng coi là Phật sống, cũng nhấn mạnh đến sự liên đới giữa người với người trong cuốn sách “Ðạo Lý Cho Thiên Niên Kỷ Mới.”

Trong thời đại này, chúng ta hãy thử nghĩ xem mình có dành đủ thời giờ cho những người thân yêu, và trên hết là Thiên Chúa, hay là quá bị ràng buộc vào “smart phone” và “social media.” Khi cầu nguyện, chúng ta lại dễ bị chia trí, lo ra. Chia trí khi cầu nguyện là chuyện bình thường, Chúa không chấp. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi vì sao mình chia trí. Có phải là vì bị những thứ đó chi phối đầu óc, không còn đủ tĩnh lặng để mở lòng cho Thiên Chúa? Những thứ đó cũng dễ lấy mất thời giờ dành cho nguời thân yêu, và cho chính mình. Không “connection” nào có thể thay thế được sự gặp gỡ diện đối diện, với sự mở tai, mở mắt, mở lòng cho nhau.

Thường dân không được tế Trời như vua, nhưng trong cuộc sống thường nhật, người dân Việt vẫn theo đạo Trời, thờ Trời và tin Trời, lại còn dám dùng lối nói thân mật, gọi Ngài là Ông Trời. Trong dân gian, lại có lối nói mộc mạc “Trời đất ơi!” hay “Chèng đéc ơi!” đầy ắp ý nghĩa thân tình về liên hệ với Cha Trời và Mẹ Đất. Dân Việt quả là có cái nhìn rộng, bao quát, và ý thức về liên hệ với Thiên, Địa, Nhân, với Trời, Đất, cũng như với con người.

Chúng ta đến nhà Chúa để tế Trời, để hiệp thông với Chúa qua việc rước Thánh thể. Chúng ta cũng đến đây để hiệp thông với cộng đoàn, với anh chị em chung quanh, cùng hòa lời kinh, tiếng hát dâng lên Thiên Chúa, nhất là qua việc hiệp lễ.

Không chỉ ngày Tết chúng ta mới nghĩ đến Chúa, Đấng vẫn đồng hành với chúng ta mỗi ngày. Cũng vậy, không chỉ vào dịp Tết, chúng ta mới mong ước điều tốt đẹp cho nhau. Cả cuộc sống mỗi ngày cũng cần được sống trong liên đới, quý chuộng tình nghĩa với nhau, sống hiền lành, hòa hợp giữa người với người.

Thư Thánh Gia-cô-bê nói về thời giờ qua đi nhanh chóng. Chúng ta hãy tận dụng thời giờ để sống cho Thiên Chúa và sống cho nhau mỗi ngày.

Trở Lại Trang Văn Hóa