Tản Mạn Về Người Tín Hữu Tiên Khởi của Giáo Hội Việt Nam

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thư

Vào truyện:
Nhiều tài liệu viết về nhân vật được rửa tội đầu tiên:
Vị này có tên là ĐỖ HƯNG VIỄN.
Nhưng vẫn có nghi vấn là ông theo đạo trong hoàn cảnh nào ? Giáo sĩ nào đã dạy giáo lý rồi rửa tội cho ông?

Tài liệu sau đây cho chúng ta ít ánh sáng:
Theo giáo sĩ C.Poncet (thuộc hội Thừa sai Ba Lê), vào khoảng đầu thế kỷ 16, các thương buôn người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha thường ghé Việt Nam để mua thêm lương thực hoặc trữ thêm nước mà không ở lại. Trên các thương thuyền đó thường có các giáo sĩ đi theo. Trong cuốn sách “Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hoà Lan giao tiếp với Đại Việt”, Giáo sư Nguyễn Khắc Ngữ cũng xác nhận một lần nữa điều đó. Họ chỉ ghé Việt Nam sau đó đi sang Tầu hoặc Nhật Bản. Ngay như thánh Phan xi cô cũng chỉ ghé Việt Nam 3 lần vào các năm 1549, 1551 và 1552 nhưng ngài không bao giờ ở lại. Vì thế, trong các thư từ của ngài không thấy nhắc tới Việt Nam.
Từ đó ta có lý để suy ra : Đỗ Hưng Viễn chắc chắn không được các giáo sĩ trên rửa tội, vì không ai dừng lại. Chỉ còn một cách giải thích là ông đã đi theo các thuyền buôn người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và được các giáo sĩ rửa tội hoặc trên thuyền, hoặc ở Ma Cao, vào khoảng năm 1556-1570. Các vua thời Lê Anh Tôn rất muốn giao thiệp với các nhà buôn ngoại quốc và sẵn sàng đón nhận các giáo sĩ vào truyền đạo, nên vua đã truyền cho viên quan trẻ mang tên Đỗ hưng Viễn mang thư của triều đình sang Macao cho các cha Phan xi cô. “Vì vậy mà họ Đỗ đã có thể được học đạo và rửa tội, không phải ở Việt Nam mà ở ngoại quốc, có vẻ chắc là ở chính Macao”. Chính cha thừa sai Poncet cả quyết như thế.
Hiểu thêm chi tiết :
Dựa trên gia phả dòng họ Đỗ có tên là Đỗ Tộc gia phả, ở làng Bông Trung, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Cha Poncet tìm thấy ở gia phả, trang 18b, một ít hàng như sau : ‘Đỗ Hưng Viễn theo đạo có tên là ‘Hoa Lang’. Ông có tài ăn nói nên thường được cử đi sứ để giao thương hoặc điều đình. Nhiều tài liệu chứng minh được ông là là người đầu tiên theo đạo Công giáo tại Việt Nam. Cha ông tên là Đỗ công Biều, cũng từng làm quan nhà Lê”.
Chỉ vỏn vẹn có thế, nhưng tài liệu này lại có tầm vóc lịch sử, vì đánh dấu giai đọan mở đầu của đạo công giáo vào Việt Nam. Chữ Hoa Lang được dùng lúc bấy giờ chỉ có thể hiểu được là đạo Công giáo, không thể là Tin Lành. Vì Tin Lành đến 200 năm sau mới vào Việt Nam. Vậy ‘đạo Hoa Lang’ chính là đạo Công giáo.
Các sách vở thường ghi vị giáo sĩ vào Việt Nam đầu tiên thế này : Vào tháng 3 năm Nguyên Hoà thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, có người ‘Tây dương’ tên I-nê-khu, lén đến truyền đạo Gia-tô ở làng Ninh Cường và Quần Anh, huyện Nam Chân và làng Trà Lũ, huyện Giao Thủy”.
Vậy ta có thể hiểu rằng ít ra 23 năm sau niên hiệu 1533, ông Đỗ hưng Viễn mới có thể được rửa tội ? Có tài liệu còn kể : Dựa vào gia phả nhà họ Đỗ, cụ Đỗ Hưng Viễn (quê làng Bồng Trung, tỉnh Thanh Hoá) đi sứ và được Rửa Tội tại Macao thời vua Lê Anh Tôn (1573) nhưng con cháu cụ không ai theo đạo cả. Thế là mãi 40 năm sau niên hiệu nêu trên ?
Có tài liệu còn nói liền sau ông Viễn, còn có ông Đỗ viên Mãn cũng xin được theo đạo Công giáo.
Giáo sư Trần văn Cảnh (Pháp) có viết như sau : “Trong những người Việt Nam đầu tiên đã trở lại đạo Công Giáo, có nhiều người quan quyền hay hoàng tộc, có hiểu biết. Công tử Đỗ Hưng Viễn, con quan đại thần triều Lê trung hưng, là người Công Giáo đầu tiên vào khoảng những năm 1560-1570.

Người thứ hai là công chúa Mai Hoa, chị của Hoàng Tử Lê Thái Tông, được rửa tội vào năm 1591. Sau đó, Năm 1624, tại Thuận Hóa, Giáo sĩ De Pina dạy giáo lý cho bà Minh Ðức Vương Thái Phi (1568-1648), vợ của chúa Nguyễn Hoàng và ban phép Thánh Tẩy cho bà với thánh hiệu Maria Madalena. Năm 1627 tới thủ đô Kẻ Chợ (Hà Nội), Cha Đắc Lộ đã được tiếp kiến chúa Trịnh Tráng hồi đó xưng hiệu là Thanh Ðô Vương. Trong quãng thời gian ở tại thủ đô, ngài đã khuyên được em gái chúa Trịnh Tráng trở lại đạo Công Giáo mang thánh hiệu là Catarina, còn chính chúa Thanh Ðô Vương cho phép ngài lập nhà thờ bên cạnh đền vua.

Nhưng chính những thành quả kể trên cũng là cơ hội gây nên ghen tương, hiểu lầm. Vả nữa, vì sự kiện giáo dân càng ngày càng phát triển đông đúc, một số vua chúa, quan lại và cả giới Tăng Ni đã có những nhận xét vội vàng và nghi ngại, sợ mất đi một phần thần dân, một phần ảnh hưởng, một phần tín đồ. Thêm vào đó giáo lý của đạo Công Giáo đem tới có vẻ quá nghiêm khắc và bị lên án là gây xáo trộn trật tự xã hội, thí dụ trong gia đình, theo giáo lý Thiên Chúa, là chỉ có nhất phu nhất phụ, chứ không thể dung thứ, hay cho phép bảo tồn chế độ đa thê, tì thiếp, nàng hầu, là những sự kiện rất thịnh hành trong triều đình, trong giới quan lại, trong giai cấp thượng lưu giầu sang của thời xưa.

Ngoài ra, đối mặt với cảnh vật và xã hội Việt nam, những khó khăn hoà mình nơi các thừa sai vào với xã hội Việt nam không phải là thiếu; cách biểu lộ sự tôn kính tổ tiên và lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ của người Công Giáo được thể hiện khác với các lễ nghi cổ truyền cũng là một cớ làm nhiều người chê trách. Ba sự kiện trên đã là những nguyên nhân thầm kín đầu tiên đưa đến việc cấm cản và bách hại đạo Công Giáo ”.

Cùng kết thúc và ôn lịch sử Công giáo VN thời đầu:

Thế kỷ XVI, Công giáo vào Việt Nam và thành lập với 4 thời điểm đầu tiên. Trong thế kỷ này, lịch sử Việt Nam loạn lạc với những tranh chấp giữa nhà Mạc và nhà Lê (1527-1592). Bắc triều nhà Mạc, cũng như Nam triều nhà Lê đều mời đón người Âu châu vào buôn bán với mình. Làm tuyên úy cho các thương thuyền người Âu, các giáo sĩ theo thương gia người Âu bắt đầu đến và truyền giáo ở Việt Nam.

1/ Thời điểm thứ nhất : Năm 1533, Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, vào tháng 3 năm Nguyên Hoà thứ I (1533), có một giáo sĩ Âu Châu mang tên là Inêkhu (Ignatio ?) đến truyền giáo ở làng Ninh Cường, huyện Nam Chân và làng Trà Lũ, huyện Giao Thuỷ, thuộc giáo phận Bùi Chu, tỉnh Nam Định ngày nay. Tài liệu trên không đề cập tới ai được rửa tội cả.

2/ Thời điểm thứ hai đã được tiếp nhận Tin Mừng là Thanh Hóa, với việc tòng giáo của công tử Đỗ Hưng Viễn, con quan đại thần triều Lê trung hưng, vào khoảng những năm 1560-1570, dưới thời Lê Anh Tông (1556-1573), vị vua đã biên thơ xin đức cha Carneiro ở Áo Môn gởi thừa sai đến Việt Nam. Đến triều Lê Thế Tông(1573-1599), lên ngôi còn nhỏ tuổi, được chị là công chúa Chiêm (Chèm) làm nhiếp chính. Bà được vua cha Lê Anh Tông) nói tốt về đạo Chúa, nên đã sai sứ giả sang Áo Môn nhiều lần, xin đức cha Carneiro gửi thừa sai đến Việt Nam. Năm 1588-1589, đức cha gởi hai cha triều Alphonso de Costa và Juan Gonsalves đến Việt Nam. Năm 1590, cha Pedro Ordonez de Cevallos bị dạt bão vào Việt Nam, được đưa về kinh đô vua Lê ở An Trường (Thanh Hóa). Nhờ sụ giảng dậy của cha, bà chúa Chèm đã trở lại đạo và lãnh phép rửa tội cùng với nhiều nàng hầu và cung nữ ngày 22/05/1591. Bà lấy tên thánh là Maria, nên gọi là Mai Hoa. Bà lập một tu viện, lấy tên là dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, trong đó, ngày 26/06/1591, cha Ordonez đã dâng lễ và 51 nữ tu đầu tiên đã làm lễ khấn tạm. Nhiều người dân cũng đã trở lại đạo, sống thành làng Giatô, đông đến 400 nhân danh. Cuối năm 1591, Hoàng Thái Hậu, mẹ công chúa Mai Hoa, cũng đã trở lại đạo, trước khi chết.
3/ Cũng trong thế kỷ XVI, thời điểm thứ ba đã được đón Tin Mừng là Quảng Nam – Thuận Hóa, với việc hai linh mục dòng Daminh là cha Luis de Fonseca và Grégoire de la Motte đến Quảng Nam năm 1580-1586, và sau đó, việc ba nhà truyền giáo khác, dòng Đa Minh, là cha Alfonso Jímenez, cha Diego và thầy trợ sĩ Juan Bautista Deza đến Cửa Hàn vào năm 1595 và đã khuyên được 2 tù nhân bị án tử hình ở Thuận Hóa theo đạo và an táng theo lễ nghi công giáo.
4/ Thời điểm thứ bốn được đón tin mừng là tại kinh đô Thăng Long. Theo lời mời của Mạc Mậu Hợp, một phái đoàn các cha dòng Phanxicõ, gồm 4 linh mục là D. Operosa, B. Ruiz, P. Ortis, Fr. Montila và 4 thầy trợ sĩ cập bến An Quảng (Quảng Yên), ngày 01.05.1583. Nhưng khi vừa rời bến để lên Thăng Long, thì tầu bị bão đánh dạt sang đảo Hải Nam. Hai năm sau, cha Ruiz, đã 61 tuổi, trở lại được Thăng Long, được vua tôi Nhà Mạc đối xử tử tế và được tự do giảng đạo, nhưng không có ai theo đạo. Ngài chỉ rửa tội được cho một em bé sắp chết.

LỜI KẾT

Vào Việt Nam năm 1533, các giáo sỹ công giáo đầu tiên đã gặp nhiều khó khăn để truyền giáo cho người việt nam, vì bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hóa. Từ năm 1615, với các giáo sỹ Dòng Tên, một phương pháp truyền giáo mới, có đường hướng, dựa vào văn hóa, dùng tiếng việt để trình bày những khái niệm công giáo rất mới và dùng phong tục văn hóa việt để sống những lễ nghi công giáo rất lạ, đã thu hút được nhiều người việt nam theo đạo, khởi đầu từ thành phần xã hội cao và lan tỏa qua các thành phần xã hội bình dân.

Hai điều căn bản của giáo lý Công giáo mà sử gia Trần Trọng Kim đã tóm tắt rất chính xác là :

1/ Dạy người lấy sự yêu-mến và tôn-kính Thiên-chúa làm gốc.

2/ Lấy bụng từ-bi nhân thứ, coi người như anh em ruột thịt làm cốt.

Cả hai khái niệm trên, dẫu có khác biệt về nền tảng độc thần công giáo, nhưng không hoàn toàn xa lạ với văn hóa tam giáo ở Việt Nam, mà lại rất gần với lương tri con người về sự cần thiết của một Thiên Chủ trời đất và của một « Tứ hải giai huynh đệ ». Đó là lý do căn bản, khiến, dẫu có những ganh ghét và đố kỵ, những cấm cản và bách hại trong cuộc sống hằng ngày, vẫn có nhiều người Việt Nam muốn theo đạo.

Chỉ tới năm 1659, chưa được 50 năm truyền giáo của các cha Dòng Tên, Giáo Hội Việt Nam chưa có giáo phận biệt lập, chưa có giám mục nào, chưa có linh mục việt nam, nhưng có khoảng 100.000 tín hữu ; 20.000 trong Nam ; 80.000 ngoài Bắc ; qui tụ chung quanh 340 nhà thờ : 75 ở Nghệ An, 183 ở Sơn Nam, 37 ở Hải Dương, 15 ở Kinh Bắc, 20 ở Thanh Hóa, và 10 ở Sơn Tây.

Âu cũng là ơn Chúa nhiệm lạ. Là cơ duyên để ông Đỗ hưng Viễn tiên phong xin theo đạo Chúa ! Tên ông từng được đặt cho một con đường thuộc quân Tân Bình, phường 12 , Sài Gòn. Khá đặc biệt !

Trở Lại Trang Văn Hóa