TÂM THỨC ‘ĐẠO TRỜI’ CỦA DÂN VIỆT

Linh mục Nguyễn văn Thư

Ai cũng kính sợ ‘Ông Trời’

               Cứ lần theo các kinh nghiệm sống và những dặn dò của cha ông tổ tiên, nhất là qua các    câu ca dao tục ngữ, chúng ta sẽ ý thức rõ ràng về vị trí Ông Trời trong cuộc sống dân gian : Trời sinh voi, Trời sinh cỏ – Trời đánh thánh vật – Trời chẳng đóng cửa nhà ai – Trời nào có phụ ai đâu – Hay làm thì giàu, có chí thì nên – Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày…

Một học giả đã viết :”Tại Việt Nam tuy có nhiều đạo, nhưng trên hết các đạo, người Việt Nam tin ở Ông Trời, Ngài còn được gọi theo kiểu người Tàu là Thượng Đế, Ngọc Hoàng.

Dân Việt Nam là dân hữu thần và sống rất gần gũi với Trời. Từ khi được sinh ra cho tới khi về lòng đất, nhất cử nhất động đều tin rằng có Trời chứng giám, can thiệp. Tiếng “Trời” được phát xuất từ cửa miệng dân chúng hằng ngày qua đời sống, còn ghi lại trong ca dao bình dân:

Con chim nó hót trên cành,
Nếu Trời không có, có mình làm sao?
Con chim nó hót trên cao,
Nếu Trời không có, làm sao có mình?”

Người ta thấy bầu trời xanh, trời cao, người ta tin rằng có một vị cao cả, không ai biết được thế nào, nhưng người ta cùng gọi là Ông Trời. Trong niềm tin của người dân, người ta tin rằng Trời là Đấng Linh thiêng, Cao cả, nắm quyền thưởng phạt, điều hành vũ trụ cách uy quyền.

Tác giả Nguyễn Du, với tập Kim Vân Kiều nức danh trong văn học Việt Nam, đã lên tiếng

Ngẫm hay muôn sự tại Trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần, phải phong trần
Cho thanh cao, mới được phần thanh cao”

Ai cũng nghĩ rằng (dù chỉ là mù mờ) trước tất cả mọi sự đã có ông Trời, Trời là một bậc quyền phép vô song ở trên cao, làm ra mọi sự : Trái đất, núi non, sông biển, mưa nắng; sinh ra tất cả: Loài người, muôn vật, cỏ cây… Từ mặt trời mặt trăng, các ngôi sao trên trời cho đến vạn vật ở mặt đất, tất cả đều do Trời tạo nên.

Trời còn có con mắt thấy tất cả, biết hết mọi sự xảy ra ở thế gian. Trời là cha đẻ muôn loài, xét đến muôn việc, thưởng phạt không bỏ ai. Do đó mà con người tin có đạo Trời, nhờ Trời, cho là Trời sinh, Trời dưỡng, và đến khi chết thì về …chầu Trời.

Người Việt xa xưa không biết thờ Trời cho đúng ý Trời

Ông Trời không lạ đối với tâm hồn và ngôn ngữ của người Việt Nam. Nhưng người Việt xưa vẫn chưa biết rõ Ông Trời là ai? Ngài đã làm việc gì cho chúng ta? Và Ngài muốn chúng ta làm gì? Có lẽ việc làm hay nhất của người Việt trước đây là chỉ biết lập bàn thờ Trời trước cửa nhà:

Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Do quá bận rộn với cuộc sống, không dành thì giờ học hỏi, tìm kiếm Ông Trời nên người Việt phần lớn đã quên học hỏi cho kỹ về Ông Trời. Thỉnh thoảng có người gọi, “Trời ơi!” Cũng có người tự hỏi, “Không biết Ông Trời có thật hay không?” Có người kêu, “Trời ơi, Trời ở chẳng cân. Kẻ ăn không hết, người lần không ra!” Có người than, “Trời hành cơn lụt mỗi năm…”

Nói khác đi vì không nhìn thấy Ông Trời, nghĩ rằng không ai có thể kêu thấu Trời, nên người Việt không biết cách liên hệ với Ông Trời. Cũng là điều dễ hiểu. Nhưng không biết không phải là cách để trả lời. Bởi nhiều khi quên ơn Trời, quên thờ Trời, quên cầu Trời, quên ngày chầu Trời…là phạm tội với Ông Trời. Mắc tội với Trời dẫn đến bất hòa với Ông Trời chính là nan đề to lớn nhất, mọi nan đề khác trong cuộc sống đều nẩy sinh ra từ đây.

Người Việt xưa không biết rằng Ông Trời vẫn sống và Ngài đang chờ đợi những ai tìm kiếm Ngài .

Cho tới một ngày…

Ngày đạo Chúa được truyền giảng tới đất Việt. Dân ta dần dà nhìn rõ :

Đấng lớn nhất là Trời, và nhìn vào vũ trụ bao la, tinh vi huyền diệu, chúng ta nhận rằng phải có bàn tay tác tạo…

Ta xem một chiếc đồng hồ,
Nếu không có thợ, bao giờ thành thân,
Phương chi máy tạo xoay vần,
Tứ thời bát tiết muôn phần lạ hơn,
Nên ta phải lấy trí khôn,
Luận rằng có Đấng Chí Tôn sinh thành.

Thiên Chúa tạo thành vũ trụ và là đấng toàn năng hằng hữu chính là niềm tin căn bản hàng đầu cho đạo Chúa lúc này.

Và rồi, Đức Ky Tô tới, với kỷ nguyên Tân Ước, chúng ta đã được mặc khải đầy đủ về Thiên Chúa và Nước Trời. Được nhận các bí tích ban ơn thánh để hỗ trợ đời thiêng liêng, sống trong anh bình hạnh phúc, chờ ngày về Thiên đàng sống đời vĩnh cửu hoan lạc với Chúa.

Đức Giê-su đã ví lòng tin vào Đạo Thiên Chúa như viên ngọc quý giá đặc biệt mà một đời người chỉ gặp thấy có một lần, nên ai khôn ngoan thật đều dẹp bỏ hết các thứ khác kém cỏi để sắm cho bằng được thứ ngọc hảo hạng này.

Trở Lại Trang Văn Hóa