Hiep thông theo dân Việt

Lm. Đinh Đức Hảo

Theo lời truyền miệng thì ngày kia, tại một nghĩa trang vùng San Jose, có một ông Mỹ đi thăm mộ người vợ, và một bà người Việt viếng mộ cha mình. Ông Mỹ mang đến một bó hoa hồng, nhẹ nhàng đặt hoa ở mộ bà vợ rồi đứng im lặng tưởng nhớ đến người chết. Sau đó ông thấy một bà người Việt khệ nệ mang đồ ăn đến mộ người thân rồi niệm hương một cách kính cẩn. Một hồi sau, ông lò dò lại gần mà hỏi: “Bà nghĩ rằng người chết có thể ăn được mấy món này?” Sau vài giây suy nghĩ, bà người Việt hỏi: “Vậy ông nghĩ rằng người thân đã chết của ông có thể ngửi được mùi thơm của mấy bông hoa chăng?”

Dân Việt chúng ta có một lối sống tình nghĩa, không chỉ với gia đình, bà con, mà còn liên đới với hàng xóm, với cộng đồng rộng lớn hơn. Hơn thế người Việt còn có sự hiệp thông với những người quá cố dưới nhiều hình thức theo truyền thống dân gian, phù hợp với ý niệm các thánh thông công (communion of saints) theo Kitô giáo.

Trong văn hóa Mỹ và Tây phương, sinh nhật rất quan trọng, phải mừng hằng năm. Người Việt không có phong tục như vậy, thường chỉ mừng khi đứa trẻ đầy tháng, thôi nôi (12 tháng), rồi sau đó mừng thật lớn khi một người đạt đến tuổi 60, 70, 80 (hạ thọ, trung thọ, thượng thọ).

Thật ra, dân Việt có mừng sinh nhật hằng năm, nhưng là mừng tập thể vào dịp Tết – gọi là mừng tuổi. Cứ đến Tết Nguyên Đán, mỗi người thêm một tuổi, bất kể sinh vào ngày nào trong năm âm lịch. Cũng vào dịp Tết, con cháu bày tỏ lòng biết ơn đối với ông bà, với cha mẹ là bậc sinh thành.

Tuy nhiên đối với người Việt, ngày chết xem ra quan trọng hơn ngày sinh. Nhiều người lớn tuổi không nhớ ngày sinh của chính mình, nhưng không quên ngày từ trần (ngày giỗ, huý nhật, kỵ nhật) của cha mẹ, ông bà theo âm lịch. Lễ giỗ, hay nghi lễ tưởng nhớ người quá cố hằng năm rất quan trọng, là một phần của đạo hiếu. Vào dịp Tết, con cháu cũng nhớ đến tổ tiên và những vị đã khuất núi, mời các ngài về ăn Tết.

Khi nói đến “các thánh thông công,” Kitô hữu ý thức về liên đới không mất đi giữa người sống và kẻ chết, cũng như lời cầu nguyện hoặc trợ giúp dành cho nhau. Còn sự hiệp thông của người Việt đối với người quá cố mang ý nghĩa báo hiếu, biết ơn (uống nước nhớ nguồn). Bên cạnh đó, con cháu cũng xin vong linh bất tử của tiền bối phù hộ cho con cháu, cho gia đình, dòng họ.

Tiếc rằng cách đây mấy thế kỷ, có nhiều vị thừa sai Tây phương đã không hiểu ý nghĩa của việc cúng giỗ tổ tiên, cho rằng đây là nghi lễ mang ý nghĩa tôn giáo, coi tổ tiên là các vị thần, không phù hợp với niềm tin Kitô giáo. Đó là suy nghĩ của các nhà thừa sai thuộc dòng Đa Minh, dòng Phanxicô, và hội truyền giáo Paris, trong khi các vị thuộc dòng Tên thì tin rằng đây chỉ là các nghi lễ truyền thống có từ lâu đời trong dân gian, chứ không phải là nghi lễ tôn giáo.

Chính Toà thánh cũng lúng túng giữa bất đồng ý kiến này. Thoạt tiên, vào năm 1645, bộ Truyền bá Đức tin theo suy nghĩ của dòng Đa Minh, lên án nghi thức tôn kính tổ tiên tại Trung Hoa. Đến năm 1656, cũng bộ này lại theo lập trường của dòng Tên, bãi bỏ lệnh cấm nghi thức. Về sau, chính dòng Đa Minh và dòng Phanxicô cũng theo ý nghĩ của dòng Tên, nhưng Toà thánh thì không đồng ý. Vào năm 1704, Đức giáo hoàng Clêmentê XI lại cấm nghi lễ này, và sau đó, Đức giáo hoàng Bênêdictô XIV còn cấm bàn thảo về điều này.

Cuối cùng, Toà thánh duyệt lại vấn đề lần nữa, và Đức giáo hoàng Piô XII đã phê chuẩn huấn thị “Plane compertum est” ngày 8 tháng 12 năm 1939, cho phép người Công giáo Trung Hoa làm các nghi lễ tôn kính tổ tiên cũng như các nghi thức tôn kính Khổng Tử. Tuy thế, có lẽ để có văn bản chính thức cho Giáo hội Việt Nam, hàng giáo phẩm tại quê hương đã xin Toà thánh cho áp dụng sắc chỉ 1939 tại Việt Nam, và đã được như ý vào ngày 20 tháng 10 năm 1964. Sau đó, Ủy ban Giám mục về Truyền bá Phúc âm tại Việt Nam đã thông qua quyết nghị ngày 14 tháng 6 năm 1965 về các lễ nghi tôn kính ông bà, tổ tiên. (Xem thêm chi tiết của tranh luận về nghi lễ tôn kính tổ tiên tại Britannica.com và Encyclopedia.com).

Ngày nay, người Công giáo Việt Nam không những được cử hành các nghi lễ tôn kính tổ tiên theo truyền thống dân tộc, mà còn có cơ hội cầu cho ông bà, tổ tiên trong mỗi Thánh lễ (phần kinh nguyện Thánh Thể). Nhất là trong suốt tháng 11, đặc biệt là ngày cầu cho các đẳng hay các linh hồn (2 tháng 11), con cháu dự lễ cầu cho người quá cố và viếng mộ những người thân yêu.

Hơn thế, người Công giáo nói riêng, và người Kitô hữu nói chung, biết mình phải thảo kính cha mẹ, ông bà khi các vị còn sống trên dương thế (theo một điều răn trong Kinh thánh), chứ không chỉ cúng giỗ khi các vị đã qua đời.

Trở Lại Trang Văn Hóa