GIA ĐÌNH TRONG TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA VIỆT NAM

Linh Mục Nguyễn văn Thư

Mái ấm gia đình từ ngàn xưa

Văn Hóa Việt Nam phô bày gia đình Việt Nam như một ‘tổ hợp’ lớn, luôn phát triển, không chỉ bao gồm vợ chồng con cái như kiểu Tây phương, nhưng gia đình còn có ông bà, cháu, chắt, chút chít nữa. Truyền thống văn hóa Việt Nam coi gia đình là con đường phải qua, nếu các cá nhân muốn thành đạt và được kính trọng ngoài xã hội. Tư tưởng này đã ăn sâu trong quan niệm thăng tiến xã hôi của con người Việt Nam : muốn ổn định thiên hạ thì phải có khả năng trị quốc; muốn trị được quốc điều trước tiên là phải tề gia.
Gia đạo chính là những nguyên tắc cơ bản và ổn định, những bổn phận phải làm và những điều phải tránh trong sinh hoạt gia đình. Đây chính là cái khung tiêu chuẩn của đạo lý con người. Những điều nầy được chỉ dạy cho mọi thành viên trong gia đình. Khi mọi người một mực trung thành tuân giữ, người ta gọi là người có gia giáo. Một cách đơn giản, gia giáo là sự chỉ dạy cách ăn nết ở trong gia đình, ngoài xã hội, nơi làng nước.
Tinh thần Nho giáo với tư tưởng, học thuật, nếp sống, phong tục đã chi phối và trở thành nền tảng cho việc xây dựng xã hội, quốc gia Việt Nam. Xã hội là một đại gia đình, trong đó vua là thiên tử, và có sứ mạng truyền mệnh trời xuống cho toàn dân. Vua coi dân như con đẻ, và cai trị dân bằng Nhân và Đức. Xã hội Việt Nam được chi phối bởi nhân trị thay cho pháp trị. Mỗi người, mỗi giai cấp sống đúng với Danh của mình.


Xưa nay, bữa cơm chính là những khoảnh khắc sum họp, là nơi thể hiện sự tôn trọng, yêu thương, chăm sóc của mỗi thành viên trong gia đình. Con trẻ thể hiện sự kính trọng với ông bà, cha mẹ qua từng cử chỉ ăn uống. Ngoài ra, cha mẹ có dịp hỏi han việc học hành của con, chia sẻ những ý tưởng, tâm tư của con; vợ chồng thể hiện tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau; anh chị em hòa thuận… Vì vậy, trở về nhà sau một ngày làm việc bận rộn, thưởng thức những bữa “cơm lành, canh ngọt” không chỉ đơn thuần là nơi mọi người cùng ăn những món ngon mà đặc biệt hơn, đó là sự gắn kết giữa các thành viên, hình thành nên truyền thống gia đình .
Người Việt Nam quen với đời sống nông nghiệp, gần gũi với trời đất, thiên nhiên và vạn vật. Ngôi nhà của gia đình Việt Nam nép mình bên dòng suối, bờ sông, dưới gốc đa, tàn lá, được bảo bọc che chở bởi lũy tre xanh, bởi đồng lúa vàng, luôn tìm sự nương tựa vào thiên nhiên, đất trời. Người Việt luôn ý thức trên đầu mình, trong nhà ngoài ngõ, nơi sông núi và ngoài đại dương luôn có những lực lượng thần thiêng chi phối cuộc sống và an sinh của mình. Tình cảm tín ngưỡng nầy đã ăn sâu trong văn hóa gia đình Việt Nam. Các lễ nghi cúng vái thờ thần luôn được thể hiện trong cuộc sống gia đình và làng nước. Tin vào lẽ phải thiêng liêng và đó là lẽ trời luôn thúc giục người ta biết ăn ở ngay lành, làm điều thiện được phúc đức, làm điều ác sẽ bị quả báo trừng phạt .

Những thách đố của thời đại mới

Làn sóng di dân, tình trạng dô thị hóa, xu hướng toàn cầu hóa, đã thúc đẩy hàng triệu người Việt nam chuyển mình và ra đi để mưu sinh và tồn tại. Thực trạng nầy không thể đảo ngược; do đó, các gia đình Việt Nam phải đối diện với những thách đố hội nhập vào một văn hóa mới, một lối sống mới với những ứng xử khác biệt, nhiều khi thật xa lạ với những gì mà họ đã được hấp thụ từ trong truyền thống. Thực trạng xuất hiện những biến dạng về gia đình và Tình yêu – hôn nhân, như ly dị, sống chung, sống thử, tự do luyến ái… đã là những buồn thảm luôn ám ảnh. Người ta luôn tự nhắc nhở với nhau cần phải hôi nhập để tồn tại. Nhưng hiểu và sống thế nào cho đúng với hội nhập?
Hội nhập (integration) khác xa với đồng hóa (assimilation). Đồng hóa là hòa tan, biến mất căn tính của mình trong khi hội nhập là một tiến trình thâu hóa, chọn lọc. toàn thể. Hội nhập là một tiến trình thâu hóa hai chiều có ý thức, trong đó đa số chấp nhận thiểu số với cái cá biệt của họ và ngược lại, thiểu số chấp nhận quy luật của đa số nhưng đồng thời vẫn không để mình bị biến mất trong cái đa số ấy. Một hội nhập văn hóa thành công là khi văn hóa thiểu số sẵn sàng hòa mình vào văn hóa đa số, chấp nhận thâu hóa những cái đáng theo của người mà vẫn giữ được cái độc đáo của mình.
Vậy thì phải học cho biết cách Hội Nhập cho phải phép.
Gìn giữ bản sắc văn hóa gia đình (giữa những cố gắng Hội Nhập) là nhiệm vụ hàng đầu và cần thiết đối với các gia đình Việt Nam. Mô hình nầy đã được phát huy và thành công ở nhiều cộng đồng người Việt. Nhờ đó, họ đã đùm bọc nhau không chỉ vượt qua được giai đoạn đầu nhập cư ở xứ lạ, mà còn giúp nhau thăng tiến trong cuộc sống ở những môi trường xã hội mới lạ. Thật là may mắn, các giá trị đạo đức, các tập tục truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt, người Việt vẫn còn tiếp tục và trân trọng trong các thế hệ con cháu ta ngày nay. Nhưng cũng thật tiếc, một số không ít gia đình trong xu thế thời đại mới, đã không cho thấy được những nét đáng yêu và những giá trị đáng bảo tồn trong văn hóa Việt Nam.
Xã hội càng ngày càng có cái nhìn rộng rãi và bao dung hơn về mặt văn hóa. Nhiều truyền thống văn hóa sống chung trong hài hòa muôn vẻ, thì vẫn tuyệt vời hơn là mỗi người một cách sống đóng kín. Vì vậy, trong những biến chuyển gay gắt của xã hội ngày nay, nhiệm vụ giáo dục của các bậc cha mẹ Việt Nam đối với con cái là làm sao để sau này đứa trẻ lớn lên, chúng có dịp so sánh phân tích các nền văn hóa, chúng không than trách, oán hận là cha mẹ chúng đã không dạy gì cho chúng về truyền thống văn hóa Việt Nam.

Mẫu mực của Thánh Gia Na-gia-rét

Gia đình là nơi tình thương yêu giữa cha mẹ và con cái được bày tỏ. Gia đình cũng là nơi chồng vợ và mọi thành viên đón nhận và trao ban lòng trân trọng yêu thương. Thánh Giu SE, Mẹ Maria và Chúa Giê Su đã cho chúng ta hình ảnh tuyệt hảo về gia trị một gia đình gương mẫu về mọi mặt.
Sự thánh thiện hiểu theo nghĩa là sống theo đúng giới luật của Chúa, gắn bó với Chúa và luôn có Thiên Chúa ở cùng thì gia đình chính là một cộng đồng thánh thiện. Đức Giêsu, Đức Maria và Thánh Cả Giuse hợp thành một gia đình gọi là gia đình thánh vì không chỉ nơi các Ngài là các Đấng Thánh mà chính vì gia đình của các Ngài luôn sống theo Chúa, gắn bó với Chúa.
Mà sống theo ý Chúa là bảo toàn sự trật tự thiên nhiên. Tạo ra bình an từ trong ra ngoài.
Đứng trước những biến chuyển xã hội hôm nay, cơ cấu thị trường, công nghệ điện tử phát triển, hiện tượng di dân, thành phần thanh thiếu niên nam nữ rời xa mái ấm gia đình truyền thống Công giáo Việt Nam, họ đạo, giáo xứ, đoàn thể đạo đức, công giáo tiến hành… Chúng ta không thể không có những băn khoăn lo lắng. Làm sao không lo âu trước tình hình đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, tội ác gia tăng không những về số lượng mà cả về mức độ dã man, phá thai, nghiện ngập lan tràn, nhất là nơi giới trẻ !
Mong sao mọi giới ra sức tìm giải pháp thích hợp để bảo vệ truyền thống gia đình cố hữu, dưới ánh sáng và ân huệ từ Trời cao.

Trở Lại Trang Văn Hóa