Linh mục Giuse Nguyễn văn Thư
Truyền thống ‘Tam giáo đồng nguyên’
‘Tam giáo’ là ám chỉ đến ba truyền thống tôn giáo có ảnh hưởng lớn mạnh trong các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, trong đó có Việt Nam. Tam giáo gồm có : Nho giáo (còn gọi là đạo Khổng), Phật giáo (còn gòi là đạo Phật) và Lão giáo (còn gọi là Đạo giáo).
Tại Việt Nam, dĩ nhiên tư tưởng ‘tam giáo đồng nguyên’ là coi trọng cả ba tôn giáo này. Quan niệm này được xuất phát từ thời nhà Lý và được tiếp nối qua thời nhà Trần..
Sự kết hợp nhuần nhuyễn, dung hợp giữa Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo đã tạo nên một nền văn minh Đại Việt rực rỡ và tinh hoa. Đó chính là sự kết hợp của văn hóa dân gian với văn hóa bác học cung đình. Sự kết hợp văn hóa Đại Việt thời Lý được xây dựng trên nền tảng của một tầng văn hóa bản địa, có tiếp xúc giao lưu hai chiều với các nền văn hóa Trung Hoa phương Bắc, văn hóa Ấn Độ và Đông Nam Á hải đảo phương Nam… Sự kết hợp đó đã tạo ra nét riêng biệt của văn hóa Đại Việt triều Lý, tạo tiền đề cho sự phát triển của nền văn hóa Đại Việt các triều đại sau này.
Dù đồng hành tồn tại, nhưng trong Tam giáo đồng nguyên triều Lý, đạo Phật vẫn đóng vai trò chủ đạo. Lý do dễ hiểu là vì vua Lý Thái Tổ chịu sự ảnh hưởng quá lớn từ thiền sư Vạn Hạnh – người nuôi nấng, dạy dỗ và hết lòng phù giúp cho sự nghiệp của Lý Công Uẩn bằng trí tuệ mẫn tiệp của mình. (Xin mở một dấu ngoặc ở đây : Phật giáo Đại thừa được truyền qua Việt Nam từ phương Bắc, còn Phật giáo Tiểu thừa (nguyên thủy) thì du nhập các nước láng giềng Thái Lan, Lào, Miên hay Miến điện từ phương Nam).
Có thể nói, về đại thể, chỉ có đạo Lão là hơi thiếu phần phổ thông, ồn ào, chứ cả hai triều đại Lý – Trần đều hết sức sùng bái Phật giáo (tưởng chừng như là quốc giáo), đồng thời cũng rất coi trọng Nho giáo (từng bước lấy Nho học và các thiết chế Nho giáo làm công cụ, để bảo đảm triều đình và chế độ xã hội, tạo nền tảng lý luận và tư tưởng chính trị để duy trì chế độ vua-tôi).
Thời đó dân gian thường truyền tụng câu nói :”Phật, Nho, Lão thị tam gia nhất trù, Quân, sư, phụ nại ngũ luân chi yếu” (tạm dịch: đạo Phật, đạo Nho, đạo Lão trong ba nhà mà một bếp ‘Vua, Thầy, Cha’ là cốt yếu của ngũ luân). Dân chúng đều ý thức về tính ‘đồng nguyên’ (chung một nguồn) của ‘tam giáo’, tạo ra tâm thức ‘xuất nhập’ thoải mái trong tâm tư. Tâm thức này còn tạo ra tinh thần khoan hòa trong đời sống tâm linh, ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội. Tinh thần khoan hòa là một đức hạnh căn bản của dân tộc Việt thực sự có một nền ‘minh triết’..
Tác giả Mâu Tử có lần đã viết thế này để diễn tả cái cao đẹp của ‘tam giáo đồng nguyên’: “Bèn mài chí theo đạo Phật, cùng nghiên cứu Lão Tử để lấy huyền diệu làm rượu ngon, và cũng lấy Ngũ kinh làm đàn sáo…”. Thật là tuyệt vời !
Cả Nho, Phật, Đạo đều là tôn giáo, coi như một chùm, một hệ tư tưởng ngoại lai được du nhập vào Việt Nam. Nhưng Tam giáo này đã được Việt Nam hóa, biến thành Tam giáo Việt Nam. Chúng khác với Tam giáo ở Trung Quốc không chỉ ở nội dung, cấu trúc tư tưởng và hệ giá trị trong từng học thuyết, mà còn khác biệt ở cả cách Tam giáo đó kết hợp và giao lưu với nhau. Về mặt siêu hình học, trong bản tính của con người đã có sẵn “Đạo”(cứ sống Vô Vi như sách Đạo Đức Kinh dạy), hay “Phật tính” (phải ngộ với Tứ Diệu Đế và Bát chánh đạo để thoát luân hồi), hoặc “Thánh hiền” (sống quân tử theo Tứ thư và Ngũ kinh để có đủ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí và Tín) . Chính vì vậy, tất cả chúng ta đều là Đạo sĩ, là Phật hay Thánh hiền trong tiềm năng. Cái nền tảng ‘siêu hình’ này là một trong những sợi dây vững chắc kết nối vững chắc Tam giáo.
Qua tới thời ‘Hội đồng tứ giáo’
Lịch sử biến chuyển, xã hội đổi thay. Ngày du nhập đạo mới ‘Thiên Chúa giáo’ rồi cũng phải tới. Chúng ta tìm về tập sách cổ có tên trên bìa sách trên đây, để theo dõi 3 ngày đàm luận về tôn giáo, dĩ nhiên giữa 3 vị ‘chủ nhà’ là pháp sư đạo Lão, nho sĩ Khổng giáo và hòa thượng Phật giáo, cùng vị ‘khách mới’ là giáo sĩ truyền giáo đạo Chúa từ tây phương. Bánh xe ‘tôn giáo’ Việt Nam thế là cũng xoay vần…
Truyện kể rằng vào thời vua Lê chúa Trịnh, lúc Tịnh Đô Vương đang nắm uy quyền, có một quan chức coi vùng Hải Dương đã táo bạo tổ chức một cuộc hội ngộ trao đổi giáo thuyết của 3 đạo truyền thống Việt Nam và ‘đạo Chúa’ tại dinh quan. Số là vị quan thì chưa ưa đạo ‘mới’, nhưng bà thân mẫu thì đã xin ‘rửa tội’, nên bà đề nghị 3 ngày ‘hội luận tôn giáo’ này, mong con mình có dịp ‘mở mắt linh hồn’ ra.
Theo nguyên văn của bản sách gốc, quan đã mở đầu như sau :
Thế là lần lượt 4 vị thay nhau trình bày. Dĩ nhiên vị ‘khách’ luôn có lời cuối cùng, khiến bầu khí từ từ chuyển theo hướng mới : Hình ảnh Thiên Chúa tạo dựng muôn loài cứ trổi vượt lên cao…
Nhìn lại bối cảnh lịch sử Việt Nam, vào thời nam bắc phân-tranh, khi các giáo-sĩ Âu-châu tới Việt-Nam, chính-quyền vẫn suy-tôn tư-tưởng Khổng Mạnh, tam cương ngũ thường, tu tề trị bình, được đưa ra làm tiêu-chuẩn cho đời sống cá-nhân, gia-đình và quốc gia. Còn trong dân-gian thì đạo Phật và đạo Lão cũng vẫn còn thịnh. Trong hoàn-cảnh đó, các giáo-sĩ đạo Thiên-chúa không thể không nói đến tam giáo. Cho nên khi nói đến tứ giáo, tức là ý-thức được chỗ đứng và phần đóng góp của mình trong nước Đại-Việt. Nhưng chỗ đứng đó chưa có cơ-sở vững chãi như tam giáo, cho nên có nhiều việc phải làm.
Đối với ngườì ngoài thì phải chú-trọng vào việc minh-giáo, đem đạo mình giải-thích cho dân-chúng còn đang theo tất cả các tôn giáo cổ-truyền, và cho chính-quyền đang tựa trên nho-giáo. Còn việc trong nội-bộ, có phần quan trọng hơn, là giảng-giải giáo-lý cho dân mới theo đạo, để họ biết đạo của mình khác các tôn-giáo chung quanh ở chỗ nào. Vì lẽ có ai theo đạo nào mà lại cứ cho rằng đạo ấy là sai lạc ? cũng như nhà Phật thì đinh-ninh rằng những người không theo Phật-pháp tức là ở trong chỗ “vô minh’’, nhà nho thì cũng cho đạo Khổng là chính đạo, trái ngược lại với tả đạo.
Đó là lẽ đương-nhiên, ai cũng hiểu được. Chỉ khi nào có người dùng quyền lực mà bắt người khác theo, hay là không được theo đạo nầy đạo khác, thì mới là không đương-nhiên.
Ai cũng biết rằng đạo Thiên-Chúa, về mặt thực-hành, quả là có nhiều điểm cũng giống như trong tam giáo. Ví dụ như con đường xuất gia và nếp sống tu hành bên nhà Phật, cái ước vọng trường sinh bất tử của Đạo-gia, và luân-lý tam cương ngũ thường trong đạo Nho. Nhưng trong hoàn-cảnh nói trên, sách vở chú trọng vào những cái khác nhau hơn là vào những điều giống nhau, thành ra khi căn cứ vào sách vở, người ta có cảm giác là xa lạ đối với văn-hóa Việt-nam.
Sách Hội đồng tứ giáo cũng nằm trong khuôn-khổ như thế, nhưng được trình-bầy theo lối đối thoại, muốn lấy cái lý mà suy xét các điểm dị-biệt. Chứ không ai dại gì mà viết sách khiêu-khích cả nước, trong khi mình chỉ là một thiểu-số, nhất là vào thời bị cấm cách. Cái hay là ở chỗ đó.
Có một điều không mấy ai ngờ, là ngay từ buổi đầu đạo Thiên-Chúa đã được giảng-giải và sách vở đã được viết ra ngay bằng tiếng Việt. Thành ra nó mở đầu cho một kỷ nguyên mới, tạo dễ dàng cho chuyện học hành phổ thông thuận tiện trong mọi tầng lớp già trẻ, cũng như đánh dấu một bước tiến nhảy vọt cho nền văn học Việt Nam. Năm 1651, giáo-sĩ Đắc Lộ tiên khởi cho in ở Rôma sách giáo-lý, tên là Phép giảng tám ngày, viết bằng tiếng Việt theo lối chữ quốc ngữ, có đối-chiếu tiếng la-tinh. (Nhưng cũng chỉ là để dùng trong nội-bộ, đồng thời để giúp cho các giáo-sĩ mới tới học tiếng Việt.)
Sách Hội đồng tứ giáo được soạn và in ra cả bằng chữ Hán lẫn chữ Nôm, chắc cũng có cái dụng-ý là muốn cho độc-giả biết đây là truyện lý-sự đứng đắn và hợp lý. Đứng đắn là vì nó trình-bầy một cuộc hội-đàm giữa bốn đại-diện của bốn tôn-giáo, về những vấn-đề nhân-sinh căn bản : một là gốc-tích người ta bởi đâu mà ra, hai là người ta thủa bình-sinh ở đời làm sao, ba là cứu-cánh của con người, chết rồi đi đâu. Hợp lý là vì nói truyện với nhau trên căn bản lý-sự, chứ không phải trên căn bản võ-lực hay uy-quyền, như có nêu lên trong lời kết-luận :’’Lý giả nhân loại chi công sư (Lý là thầy chung cả loài người)’’.
Cuốn sách Hội đồng tứ giáo đã đưa ra một trang lịch-sử của đạo Thiên-Chúa ở Việt-nam. Dĩ nhiên là ngày xưa, trước khi có đối-thoại lý-thuyết, thì người ta đã có gặp-gỡ nhau trong cuộc sống thường-nhật rồi. Trong sách có những chứng-lý mà ngày nay không ai dùng đến nữa, có những điều quan-sát về tam giáo ngày xưa mà nay đã có thay đổi, có những tín-điều của đạo Thiên-Chúa ngày nay không còn trình bầy và giải-thích như xưa, vì ngôn ngữ, trình độ văn hóa và hoàn-cảnh lịch-sử đã đổi đi nhiều.
Tuy-nhiên căn-cứ vào đó ta cũng hiểu được rõ hơn trong hòan cảnh nào người theo đạo Thiên- Chúa đã dùng những phương-tiện như thế nào, để giải-thích những điều cốt yếu trong niềm tin của mình. Rất có thể là nỗ-lực đối-thoại của người xưa còn có chỗ khiếm-khuyết, có điều bất-cập, nhưng thiết tưởng cũng nên ghi lấy cái điều-kiện căn bản, không có không được, tức là cái thiện-chí muốn tìm hiểu và trao đổi. Nhưng cũng phải có ai đối đáp theo tinh-thần như thế, mới thực sự có trao đổi, đối-thoại.
Cuối cùng, đạo Thiên Chúa (phần chính là CÔNG GIÁO) đã lừng lững đi vào hồn dân Việt, dù trải qua bao gian nan thử thách, với máu đổ đầu rơi…Dẫu rằng, theo tích kể lại, vị quan chủ trì ‘hội đồng tứ giáo’ đã thực sự xin được rửa tội trước khi từ trần, theo niềm khao khát của bà cụ thân sinh.
Ghi chú : Cùng nằm trong ‘lãnh địa’ Thiên Chúa Giáo, đạo TIN LÀNH (với nhiều chi nhánh và danh xưng khác nhau) cũng tiến vào Việt Nam, dù khá muộn màng. Đạo này tách ra khỏi Công giáo vào thế kỷ 16, với tu sĩ Martin Luther (Đức). Chuyện tách ra này cũng dựa theo một vài chi tiết không đáng nói, y hệt dịp các nhóm ‘Chính thống giáo’ vào thế kỷ 10 tại vùng Dông Âu. Cả hai đều từ chối tuân theo vị lãnh đạo nguyên thủy là Đức Giáo Hoàng Roma.
Tới năm 1911, đạo này mới chính thức có cơ sở tiên khởi tại Đà Nẵng. Nhưng tới năm 1920 mới chính thức có giấy phép truyền đạo chính thức.
Tôn giáo ‘đa diện’ tại Việt Nam hôm nay .
Bây giờ đã là thế kỷ 21. Chả nhà nước nào dám công khai cấm tự do tín ngưỡng, dù nơi các chế độ vô thần. Bao lâu còn những bí nhiệm về nhân sinh và vũ trụ, con người còn tìm về một thứ ‘đạo’ nào đó, khả dĩ đáp ứng những mơ ước siêu nhiên cao vời, kể cả cuộc đời mai hậu sau khi chết.
Trở lại trường hợp dân Việt, ‘đạo’ tiên khởi và tiềm ẩn sâu xa nhất chính là đạo THỜ PHỤNG ÔNG BÀ TỔ TIÊN. Nó vô hình chung kéo theo chuyện cầu cúng lễ bái và những nghi thức ‘gia tiên’. Kế là chuyện săn sóc phần mộ tổ tiên. Rồi chuyện sắm sửa đồ lễ cúng gia tiên, kèm theo những thứ kiêng cữ lỉnh kỉnh trong gia đình họ hàng. Những ngày giỗ chạp có vị trí rất quan trọng quanh năm. Bình thường, người ta cũng coi trọng cuốn ‘gia phả’ của họ hàng nội ngoại. Trong tinh thần này, ngày giỗ quốc gia dân tộc chính là ngày Giỗ tổ Hùng Vương, có một vị trí to lớn (cùng với ngày giỗ các anh hùng dân tộc). Các vua chúa còn tạo ra lễ Tế Nam Giao rất long trọng.
Không ít người vẫn trân trọng ĐẠO THỜ THẦN : Khởi sự với các thần gia đình. Chuyện thờ Thổ Công. Niềm tin vào Táo quân. Rồi Thần Tài. Thần tổ nghề nghiệp. Thành hoàng. Nhiều nơi kể rõ ‘Thượng đẳng, Trung đẳng và Hạ đẳng thần’. Lại còn Sơn thần, Thủy thần…Nhiều làng vẫn tha thiết với các ngài ‘Tứ bất tử’ : Chử đồng Tử, Bà Liễu Hạnh công chúa, Tản Viên sơn thần và Phù Đổng thiên vương. Thế là xuất hiện Đình, Miếu…kèm theo những nghi thức cúng lễ, rước xách. Rồi bao thứ kiêng cữ lớn nhỏ. Rất nhiều trường hợp được coi là chuyện mê tín dị đoan…
Trong mục nói về Tam Giáo, chúng ta đã kể về đạo Phật (đa số theo đại thừa Trung Quốc). Sau này Việt Nam còn xuất hiện PHẬT GIÁO HÒA HẢO. Năm 1939, một nhân vật được tôn xưng là ‘Đức Huỳnh Giáo chủ’ (Huỳnh phú Sổ), sinh tại thôn Hòa Hảo, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, đã khai sáng đạo này. Ngài chủ trương không xây chùa chiền, tượng ảnh và cùng lễ như các chùa Phật đương thời. Chủ trương tu tại gia, dùng pháp môn ‘Tịnh độ’ làm căn bản ( một trong 84 ngàn pháp môn của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni ). Dĩ nhiên phải thi hành bác ái từ bi, tình thương đại đồng…Đặc biệt phải tham gia việc bảo vệ quê hương đất nước.
Kế tiếp phải nói tới đạo CAO ĐÀI : Khởi sự với giáo chủ Lê văn Trung vào năm 1926. Theo chân ‘đại nhân’ Ngô văn Chiêu’, ngài rất thích tiếp xúc với giới vô hình qua việc ‘cầu cơ’. Nhờ đó, ngài gặp được một vị tự xưng là Cao Đài, muốn được tôn thờ qua hình ảnh một Con Mắt. Sau dịp cầu cơ gặp được thi sĩ Lý Bạch (Tầu) ngài đã bắt đầu cuộc sống ‘thánh thiện’ khác thường. Ngài cũng kiếm được 2 phụ tá tài giỏi là Phạm công Tắc và Cao văn Cừ. Thế là tất cả viết bản tuyên ngôn về đạo mới, rồi xin thống đốc Nam Kỳ hợp thức hóa Cao Đài giáo. Thánh thất chính thức được xây dựng tại Tây Ninh. Dân chúng tôn kính giáo lý của cả ‘tam giáo’ cũ Việt Nam. Sau này thêm cả Thiên Chúa Giáo, nên tín đồ vui với tên gọi ‘đại đạo toàn cầu’. Phật tới giúp lần I. Rồi Chúa tới lần II. Nay đấng ‘Cao Đài’ tới lần III : Tam kỳ phổ độ !
Bây giờ ta bàn về sự hiện diện của HỒI GIÁO : Đựơc du nhập từ các nước vùng Trung Đông, nơi giáo chủ Ma-hô-Mét lập đạo từ thế kỷ 4. Ngài viết ‘kinh thánh’ CORAN, buộc mọi người tùng phục đấng Allah chúa tể, và dạy nhiều điều tỉ mỉ, từ giáo lý tới chi tiết luân lý khắc nghiệt thường ngày. Với chủ trương khá ‘hung bạo’ khi truyền đạo, nhiều dân tộc buộc phải gia nhập : tỉ như Mã Lai, Nam Dương ở phía Nam (lân bang Việt Nam). Tư tưởng chính là “Ai không theo đạo này thì không đáng sống !”Tuy có gốc chung với dân Do Thái, qua tổ phụ Abraham, tổ tiên dân ‘Ả Rập’ (phát sinh Hồi giáo) đã trở thành kẻ thù không đội trời chung với quốc gia Israel. Thực tế họ có 2 hệ phái khác biệt, đôi khi tranh chấp với nhau. Tại Việt Nam, đa số dân theo Hồi Giáo sống tại vùng Tân Châu, Châu Đốc.
Cũng cần kể tới nhóm theo đạo BAHA’I (coi như khá mới mẻ và ít phổ quát trong dân gian). Đạo này nói mọi tôn giáo cùng có một gốc : Thượng đế lần lượt sai tới một vị ‘trung gian’. Đạo này có một ‘hội đồng tinh thần’ lãnh đạo. Họ tin đời này chỉ là tạm bợ, cần chờ sống thật đời sau. Phải vâng lệnh đấng tối cao để sống đức hạnh. Năm 1844 có vị ‘trung gian’ tại xứ Ba Tư (Iran) lập đạo, bị dân Hồi giết chết. Các tín đồ sau thành lập đạo vào năm 1863. Thờ giáo chủ Balla’u’llah (Ánh sáng của thượng đế). Tên phổ thông đạo là Baha’i. Không có tu sĩ. Họ luôn tìm cách thống nhất mọi tôn giáo. Đạo này vào Việt Nam năm 1955.
Cuối cùng là ‘Tôn giáo lẻ tẻ’ với những ‘ÔNG ĐẠO’ rải rác khắp nơi…(những người tu hay hành đạo một cách khác thường) : Đạo Ớt, Đạo Nằm, Đạo Rắn, Đạo Câm…Tuy nhiên ‘nổi tiếng’ đặc biệt thì bà con hay kể tới các vị : Đạo DỪA (kỹ sư Nguyễn thành Nam), gốc con nhà giàu, du học Pháp, về lấy vợ sinh 1 gái. Sau chán đời vào tu tại Thất Sơn, rồi về quê là xã Phước Thạnh (Kiến Hòa) dựng đài ‘bát quái’, đêm đêm lên tu tham thiền, và chỉ ăn uống trái dừa. Ông luôn tịnh khẩu, chỉ trả lời qua giấy bút. Sau lại chuyển qua Cồn Phụng dựng đài tu…// Rồi Đạo CẬY tu tại Long Xuyên : Mình có vẩy mà dân gọi là vẩy ‘rồng’, có tài chữa bệnh. Thân hình to lớn và để tóc rất dài // Qua tới Đạo THỨ, lập am tại Tân Châu, Châu Đốc, luôn tìm chữa bệnh cho dân bằng bùa chú, nhất là kêu gọi dân nổi lên chống thực dân Pháp // Cuối cùng là Đạo KIẾNG : tham thiền trước tấm kiếng (gương) to lớn, tu tại Chợ Mới, Long Xuyên. Dựng thuyền ‘Bát Nhã’ để giảng đạo lạ…
LỜI KẾT
Đạo Việt như thế phải được kể là khá ‘phong phú’. Tuy nhiên tiên hậu cũng chỉ có một Đạo Thật . Chỉ có một ‘Chúa tể’ chỉ huy vũ trụ muôn loài. Nói tôn giáo là nói về cõi siêu nhiên có ảnh hưởng trực tiếp với cõi trần. [Nhiều tôn giáo không có ‘chính danh’ vì chỉ đề cập tới lãnh vực ‘luân lý’ của người trần gian : Chỉ vẽ cách sống tốt, bác ái…mà thôi.]
Đạo Thiên Chúa thật sự đem lại câu giải đáp thỏa đáng nhất. Nó hoàn toàn hợp với niềm tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam tổng quát : Tin có ‘thần’ TRỜI và tin hồn bất tử. Có lý giải rõ ràng về nguyên thủy và chung cuộc mọi loài. Có sách Thánh Kinh kể về lịch sử Ơn Cứu Độ lạ lùng. Đặc biệt có Đức Ky tô nhập thể cứu chuộc nhân loại kèm theo bao lời giảng dậy vô giá. Có 7 bí tích giúp thánh hóa con người. Có vô vàn phép lạ hùng hồn làm chứng. Giáo hội được tổ chức trật tự nghiêm minh. Tất cả giáo dân được khích lệ tôn kính cha mẹ, ông bà và tổ tiên. Các vị truyền giáo đem chia sẻ niềm tin của mình cho tha nhân một cách nhân bản hòa bình. Họ can đảm và nhẫn nại trước các chống đối ghét ghen. Khi nhận đức tin, các tín hữu đạo Chúa đều thi hành giới luật yêu thương nhân ái với mọi người. Cùng đích tối hậu là hưởng phúc thiên đàng sau cuộc sống tạm bợ thế gian. Tất cả đều vui lòng góp phần vào việc thăng tiến xã hội, chu toàn bổn phận công dân cũng như tuân giữ luật pháp quốc gia.
Cách riêng, các tín hữu đạo Chúa luôn cổ võ tình đoàn kết yêu thương giữa các tôn giáo, và chủ trương tự do tôn giáo phải được tôn trọng. Chi tiết này phải được lưu ý và đề cao, trong công cuộc kiến tạo cuộc sống an bình thịnh vượng của đất nước.
Mong sao đạo Chúa mau chóng sẽ đem ánh sáng, sinh lực và hy vọng cho mọi tầng lớp dân chúng Việt Nam dài lâu.