Vào năm 2007 có một cuốn sách gây chú ý với tựa đề “Googling God: The Religious Landscape of People in Their 20s and 30s.” Qua sách này, tác giả Mike Hayes cho biết hai thế hệ ở Mỹ gọi là “Gen-X” và “Millenials” (*), quen thuộc với việc dùng Internet, Google, Yahoo, v.v. và họ muốn có tức khắc những câu trả lời trên mạng thông tin khi có thắc mắc gì về tôn giáo, niềm tin, Thiên Chúa.
Đến nay, năm 2018, người ta lại càng có nhiều phương tiện để tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, đa dạng, và ở bất cứ nơi nào – qua smart phones và social media. Ngay cả các hệ thống truyền thông lâu đời, có tầm mức quốc tế, đôi khi cũng tìm thông tin từ social media trước khi loan tin chính thức. Việc tìm kiếm những tin tức, thông tin, dữ kiện cũng vì vậy mà trở nên dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, chính trong thời đại thông tin và dữ kiện lạm phát này, và với một cuộc sống càng ngày càng vội vã và bị nhiều áp lực, đầu óc người ta bị tràn ngập với nhiều thứ, nên có khuynh hướng xem những video clips ngắn, đọc những câu ngắn gọn kiểu tweets, hoặc đọc lướt qua những bài viết (skim reading), chứ không còn nhẫn nại để đọc và suy nghĩ về điều mình đọc.
Đằng khác, những tài liệu về tôn giáo, niềm tin, linh đạo, v.v. như “trăm hoa đua nở,” không nhất thiết mang lại những câu trả lời hoặc hướng dẫn thích hợp, đúng đắn cho người tìm kiếm. Vào thời này, ai cũng có thể viết bài hoặc phổ biến những videos, có khi trong một thời gian rất ngắn, rồi phổ biến một cách nhanh chóng, không cần qua những nhà xuất bản hoặc ban biên tập chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, chúng ta lại sống trong một thời đại bị phân cực (polarized) do nhiều ý kiến đến từ nhiều quan điểm hay văn hoá khác nhau (pluralism), nên cần phải có sự suy xét, biện phân (discernment). Về mặt niềm tin, linh đạo (spirituality), tôn giáo, chúng ta lại càng cần suy nghĩ điều mình đọc, nghe, hoặc xem trên mạng thông tin hoặc social media.
Những điều được phổ biến trên VietDao.org là một cố gắng trình bày những gì có thể hữu ích cho người muốn tìm hiểu về niềm tin Ki-tô theo truyền thống Công giáo, và văn hoá Việt Nam (khi có thể được). Các bài viết nơi đây không mang ý nghĩa nghiên cứu học thuật, nhưng chỉ là những suy nghĩ thực tế về các đề tài.
Trong tương lai, VietDao.org sẽ thêm những tài liệu bằng tiếng Anh, và chú ý hơn đến niềm tin Công giáo với những nét đặc thù Việt Nam, trong đời sống đạo của người Việt – từ quê hương đến hải ngoại. Giai đoạn thứ hai này nhằm đáp ứng nhu cầu của thế hệ trẻ Việt Nam sinh trưởng tại Mỹ hoặc các nước khác, vừa hít thở và lớn lên trong văn hoá địa phương lại vừa chịu ảnh hưởng văn hoá Việt được truyền lại từ cha mẹ hoặc ông bà.
(*) Gen-X: thế hệ sinh từ khoảng giữa (hoặc đầu) thập niên 1960 cho đến đầu thập niên 1980.
Millenials (hay Gen Y): thế hệ sinh từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990 hoặc đầu thập niên 1990.