Lm. Đinh Đức Hảo
Theo truyền thống, các gia đình Công giáo cho con cái sơ sinh lãnh bí tích Thanh tẩy, gia nhập Giáo hội. Khi đứa con gần đến “tuổi khôn” (age of reason), bình thường là bảy tuổi, các em được chuẩn bị cho ngày Rước lễ lần đầu, và trước đó là Xưng tội lần đầu. Rồi các em được lãnh bí tích Thêm sức sau một, hoặc vài năm. Tại Mỹ, nhiều em được thêm sức khi đang ở bậc trung học. Một số xứ đạo tại giáo phận San Jose được phép của Đức cha để cho các em lớp hai được lãnh cả bí tích Thêm sức trong ngày Rước lễ lần đầu (gọi là “restored order,” nghĩa là theo thứ tự của các bí tích khai tâm thời ban đầu của Giáo hội: Thanh tẩy, Thêm sức, Thánh thể).
Trong nhiều năm tại Hoa Kỳ, người ta nhận thấy rất nhiều bạn trẻ sau khi được thêm sức, hoặc khi lên đại học, đã dần dần rời xa nhà thờ và những thói quen đạo đức học được từ gia đình. Rồi đến tuổi lập gia đình, họ bắt đầu trở lại với Giáo hội, trước là làm lễ cưới, sau là đưa con cái đến xin rửa tội, rồi cho các em lãnh các bí tích, và cũng đi lễ đều đặn hơn. Tương tự như vậy, chu kỳ theo đạo, bỏ bê nhà thờ, trở lại nhà thờ được lập lại nơi con cái của họ.
Tuy nhiên, vào những năm gần đây, các vị giám mục Mỹ đã tỏ ra lo ngại trước một hiện tượng mới: các bạn trẻ một khi đã rời Giáo hội, họ không còn quay trở về. Bí tích Thêm sức đã trở thành một “sacrament of departure,” hay là một bí tích bắt đầu sự lìa xa cộng đoàn của giới trẻ. Vì vậy, các vị giám mục nhấn mạnh rằng lo cho giới trẻ không thì chưa đủ; phải quan tâm đến cả gia đình của các em. Mục vụ giới trẻ vẫn cần thiết, nhưng không đủ, vì các em vẫn sống ở gia đình nhiều hơn là đến với nhà thờ. Ảnh hưởng (tốt, hoặc không tốt) của cha mẹ và gia đình vẫn tác động nhiều đến đời sống đức tin của các em.
Do đó, mỗi gia đình phải là một “giáo hội tại gia” (domestic church), biết cầu nguyện, học hỏi, và giúp các em lớn lên trong lòng tin, cậy, mến. Giáo hội còn nhấn mạnh rằng mỗi cha mẹ phải là thầy, cô đầu tiên cho các em về lòng tin và những giá trị, qua lời nói và nhất là gương sáng trong đời sống hằng ngày. Nói khác đi, cha mẹ không thể khoán trắng cho Giáo hội trách nhiệm truyền đạt lòng tin.
Thống kê sau đây còn gây kinh ngạc hơn nữa. Theo các nghiên cứu năm 2014 của Pew Research Center, tại Mỹ con số những người không thuộc về một tôn giáo nào đã lên tới 56 triệu, xấp xỉ với con số người Công giáo ở Hoa Kỳ. Những người này bao gồm cả (a) những người còn niềm tin và có nhu cầu tâm linh nhưng không muốn theo tôn giáo nào (spiritual but not religious), (b) những người vô thần và những người dửng dưng đối với niềm tin tôn giáo. Các giáo hội Kitô chính (Công giáo, Tin lành) đều mất người từ 3% đến 5%trong trong khoảng năm 2007 đến 2014.
Đằng khác, 31.7% những người trưởng thành ở Mỹ đã được lớn lên trong Giáo hội Công giáo, nhưng nay có tới 41% trong số đó đã bỏ Công giáo. Điều này có nghĩa 12.9% trong số người trưởng thành đã bỏ đạo, trong khi chỉ có 2% người trưởng thành ở Mỹ xin gia nhập Giáo hội.
Một điều khiến nhiều người giật mình là tuổi tiêu biểu (typical) khi giới trẻ tại Mỹ bỏ đạo hiện nay là tuổi 13, theo các thăm dò được phổ biến vào năm 2016 từ The Center for Applied Research in the Apostolate (CARA) thuộc Đại học Georgetown của dòng Tên, Washington DC.
Hiện tượng bỏ đạo, không theo tôn giáo nào, và dửng dưng với các tôn giáo có nhiều nguyên nhân, không thuộc phạm vi bài viết này: trào lưu thế tục (secularism), sự đa dạng về văn hoá (pluralism), chủ trương tương đối (relativism), khuynh hướng duy vật (materialism), sự tự tin vào mình và khả năng của con người, gương xấu trong các tôn giáo và của những người cuồng tín, sự phản kháng đối với các cơ chế, v.v.
Những câu hỏi chúng ta cần suy nghĩ ở đây:
- Tôi có thực là môn đệ của Chúa Giêsu, nghĩa là theo đạo, sống đạo – bước đi theo con đường của Chúa Giêsu? – Hay tôi chỉ giữ đạo, làm những gì tối thiểu phải làm trong đời sống người Kitô hữu (minimalist)?
- Hoặc tôi chỉ “lánh dữ” vì sợ mắc tội, mà chưa thực sự “làm lành,” chưa thực sự theo lối sống Phúc âm?
- Hay tôi chỉ giữ luật Chúa mà không hiểu giá trị quan trọng đằng sau?