Phần đóng góp của Giáo hội Công giáo cho nền Văn hoá Việt Nam

Lm. Nguyễn Văn Thư

Chữ quốc ngữ, một đóng góp bao la

Nằm trong cái ‘gói văn hóa’ của một dân tộc, người ta luôn phải nói tới tổ chức xã hội, truyền thống gia đình, phong tục xóm làng, nghệ thuật dân gian, hệ thống giáo dục, đời sống tâm linh tôn giáo, ngôn ngữ và chữ viết, v.v. Mấy quốc gia láng giềng của nước ta tại vùng Đông Nam Á, hễ nhắc tới dân Việt là họ ghen tỵ với ta vì cái báu vật chữ quốc ngữ. Thứ chữ viết này bà con trăm họ đều biết rõ là do công lao của các vì thừa sai Công giáo từ Âu châu qua góp công thành hình ra nó, nhất là với tài khéo và cố gắng của cha Đắc Lộ. Cái báu vật ấy nó sẽ nằm sâu trong tâm tưởng mọi con dân nước Việt thật dài lâu. Nó cũng đánh dấu một bước tiến trọng đại trong công cuộc phát triển nền văn hoá của con cháu Lạc Hồng.

Từ đầu, ở cái thời lệ thuộc nước Tầu, dân ta dĩ nhiên chỉ biết chữ Nho (Hán tự); và rồi ráng tìm ra một thứ gì riêng tư của dân Việt, chúng ta đã tìm ra chữ Nôm (đời nhà Trần). Nhưng cả hai thứ đều khó khăn phức tạp khôn tả.

Dĩ nhiên khi sáng chế ra chữ quốc ngữ, các nhà truyền giáo trước hết có ý giúp cho việc ‘dạy đạo’ được dễ dàng, nhưng rồi vô hình chung đã tặng một món quà to lớn cho cả dân tộc chúng ta. Theo sử liệu, hai nhân vật người Việt đầu tiên để lại bút tích chữ quốc ngữ là thày giảng Văn Tín viết một thơ dài gửi qua bề trên tại Roma năm 1659. Kế đó cũng là một thày giảng tên Thiện, cùng năm đó, viết thơ dài hai trang gửi một linh mục thừa sai tên là Marino.

Kế tiếp là sự góp phần bổ sung của giám mục Bá đa Lộc (Pigneau de Behaine, hay là cha cả, từng có lăng tại Sài Gòn), giáo sĩ dòng Tên Philippe Bỉnh (văn sĩ, thi sĩ, sử gia), và giáo sĩ tử đạo Phan văn Minh rất giỏi cả văn lẫn thơ.

Những cống hiến cho văn học

Nói về những văn hữu cỡ lớn của Công giáo vào thời đầu của chữ quốc ngữ, ta phải kể tới hai ông Petrus Trương vĩnh Ký và Paulus Huỳnh tịnh Của.

Trương vĩnh Ký rất thông minh, giỏi chữ Hán, chữ Nôm, quốc ngữ, Pháp và La tinh cùng vài ngôn ngữ Á châu khác. Ông dịch thuật và sáng tác thơ văn hầu như không biết mệt mỏi. Suốt 35 năm liền, ông để lại một di sản văn học vĩ đại, khiến dân gọi ông là một nhà bác học.

Còn Huỳnh tịnh Của nổi tiếng với tờ báo tiền phong được gọi là Gia Định Báo. Ngoài nhiều văn phẩm, ông còn cho ra cuốn tự điển có cả chữ Nôm và Quốc ngữ, mang tên “Đại Nam quốc âm tự vị.” Văn hữu Phạm thế Ngũ gọi ông là một ân nhân, đã làm một việc phi thường cho nước nhà.

Sau hai vị tiên phong này, ta cần ghi nhận công lao của văn sĩ Phan-xi-cô, gốc gác là một nhà sư Phật giáo. Ông viết rất nhiều, nay còn lại bài văn tế “Cầu hồn” nổi tiếng; rồi tới linh mục Lữ Y Đoan có nhiều bài thơ giá trị, nhất là tập “Sấm truyền ca.” Sau đó là danh nhân Nguyễn trường Tộ, nổi tiếng với những sớ (điều trần) dâng vua Tự Đức, đề nghị canh tân nước nhà. Những áng văn này đề cập mọi lãnh vực sinh hoạt quốc gia. Rồi tới linh mục Đặng đức Tuấn viết nhiều tác phẩm thơ văn, cùng với mấy bản điều trần giá trị lên vua Tự Đức. Rồi cụ cử Thiện sáng tác nhiều ca vãn tôn giáo rất hay. Kế là ông Mai lão Bạng viết nhiều bài thơ nổi tiếng. Giáo sĩ Trần Lục danh tiếng với việc xây dựng thánh đường đá Phát Diệm, nhưng cũng được biết qua những áng thơ như “Hiếu tự ca,” “Ca vè cụ Sáu,”v.v.

Nói về các văn hữu Công giáo cựu trào, người ta kể tên các vị này: Phước môn Nguyễn hữu Bài, tiểu cao Nguyễn văn Mại, đại thần Ngô đình Khả, giám mục Hồ ngọc Cẩn và linh mục Nguyễn văn Thích. Riêng về thơ thì chả ai quên được tên tuổi của Hàn mặc Tử.

Mới hơn thì danh sách các văn hữu Công giáo đóng góp cho nền văn học Việt Nam sẽ rất dài. Ngoài một số rất lớn các linh mục, tu sĩ  từng xuất bản sách hay viết báo như Hồng Phúc, Phạm châu Diên, Nguyễn trọng Tước,… còn có tên của các vị như Trần đình Ngọc, Nguyễn ngọc Ngạn, Cao thế Dung, Lê bá Kông, Trần phong Vũ, Quyên Di, Triều Khê v.v.

Công tác giáo dục

Giáo hội Công giáo Việt Nam luôn coi trọng việc đóng góp vào việc giáo dục cho giới trẻ.  Một dấu hiệu là có bao nhiêu trường trung và tiểu học nhan nhản khắp nơi.  Tại miền Nam vào năm 1969, tính ra có tới 1,030 trường tiểu học của các giáo xứ, với gần nửa triệu học sinh. Các trường trung học nổi tiếng thì phải kể tới Taberd và Nguyễn bá Tòng (Sài Gòn), Dũng Lạc (Hà Nội), Thiên Hựu (Huế), Adran (Đà Lạt),… Ở bậc đại học thì năm 1962 có Đại học Công giáo tại Đà Lạt rất thành công. Viện trưởng tiên khởi Đại học Huế là linh mục Cao văn Luận. Đại học Văn khoa Sài Gòn có tới sáu viện trường người Công giáo. Tên các giáo sư đại học danh tiếng một thời như các linh mục Lương kim Định, Trần văn hiến Minh, Bửu Dưỡng, Hoàng quốc Trương; các sư huynh Trần văn Nghiêm và Nguyễn văn Kế; rồi các giáo sư Nguyễn văn Trung, Lê hữu Mục, Phạm việt Tuyền, Nguyễn văn Thọ…

Những tên tuổi nổi tiếng và giảng dạy về mỹ thuật thì có các kiến trúc sư Ngô viết Thụ, Trần quang Đôn, Đinh xuân Bình; rồi các họa sĩ Lê văn Đệ, Vi Vi, Nam Phong, Cao Uy…Tất cả đều rất nổi danh tại miền Nam Việt Nam.

Trong ngành giáo dục, ta cũng nên nhắc tới phần báo chí, truyền thông.  Các giáo phận thường có tờ báo riêng, rồi toàn quốc thì có những báo lớn như Thẳng Tiến, Sacerdos, Tinh Thần, Hòa Bình, Hiệp Nhất, Sống Đạo… Người ta thấy có đóng góp phong phú về cả nguyệt san, tuần báo hay nhật báo.

Tất cả các đan cử trên đây chỉ là những con số tượng trưng nhỏ bé. Thật sự còn danh sách thật dài những chứng minh cụ thể nói lên sự góp phần to lớn và lâu dài của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Thật ra, những đóng góp giáo dục về mặt trí thức thì coi như “hữu hình,” với những con số và tên tuổi, nhưng về mặt “vô hình,” tâm linh, thì phải nghĩ tới những kết quả cao quý của những giáo huấn Công giáo. Theo đạo Chúa là đón nhận niềm tin linh thiêng, là được mời gọi sống theo những giới luật tuyệt vời của Chúa và Giáo hội, được tóm lại qua các giới răn căn bản. Những thứ này hun đúc huấn luyện nên những con người cao đẹp về tinh thần, sống vị tha bác ái, làm gương tốt cho tha nhân, tuân giữ kỷ cương thể chế của xã hội. Người ta gọi họ là những “con chiên ngoan đạo,” góp phần xây dựng cộng đồng xã hội.  Cùng với đồng bào, họ còn góp sức làm vang danh giống nòi, tổ tiên Lạc Hồng.

Nghệ thuật trình diễn

Bây giờ nói tới công tác của các ca nhạc sĩ Công giáo.  Thật ra từ các ca đoàn nhà thờ, bao ca nhạc sĩ đã vươn lên và thành công lớn, góp phần không nhỏ vào nghệ thuật trình diễn trong đại chúng.

Bắt đầu với thời tiền chiến, nhạc sĩ tài hoa Hùng Lân đã viết bài “Hè về” và “Khỏe vì nước,” được cả nước cùng hát. Kế đó là bản “Việt Nam minh châu trời đông,” suýt được chọn làm quốc ca. Thêm vào đó là ca khúc “Rạng đông” khá thịnh hành, rồi tập nhạc “Vui ca lên” dành cho thiếu nhi. Riêng về thánh ca, bản dịch “Đêm thánh vô cùng” (Silent Night) vẫn đang được sử dụng rộng rãi trong nước cũng như hải ngoại mỗi mùa Giáng sinh. Hùng Lân sáng lập và làm đoàn trưởng nhạc đoàn Lê bảo Tịnh vang danh một thời. Ông cũng là giáo sư âm nhạc tại trường Chu văn An, và cho in tập lý thuyết âm nhạc tiên khởi “Cây đàn sống” năm 1949, và sau đó là bộ sách “Giáo khoa âm nhạc.” Dân chúng nhớ ơn ông như một trong các nhạc sĩ tiên phong khai sáng nền âm nhạc và ca hát bằng Việt ngữ, với gia tài hằng trăm ca khúc đủ các thể loại.

Vào miền Nam năm 1954, ông tiếp tục dạy nhạc tại trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ tại Sài Gòn. Chính phủ cũng mời ông làm chủ sự phòng phát thanh học đường thuộc bộ giáo dục. Và rồi ông tổ chức chương trình “Đố vui để học” trên đài truyền hình quốc gia từ năm 1969. Sau cùng, ông được mời dạy môn sư phạm âm nhạc tại viện Đại học Đà Lạt. Ông cũng để lại những tác phẩm như “Nhạc lý toàn thư” (1960), “Dân ca Việt Nam” (1972), “Thuật sáng tác & âm nhạc thực hành” (1974)… Ông qua đời năm 1986 trong khi đang còn dạy nhạc tại tư gia.                                                               

Nối tiếp Hùng Lân là nhạc sư Hải Linh, nổi tiếng nhất với những bài hát đạo như “Hang Be Lem,” “Tán tụng hồng ân,” “Tiếng nhạc oai hùng” và “Nữ vương hòa bình.” Ông cũng viết nhiều bản hợp xướng như “Đà Lạt trăng mờ,” “Hương quê,” “Lòng mẹ” “Chinh phụ ngâm,”… rất phổ thông. Năm 1956, sau khi tốt nghiệp nhạc tại Pháp, ông dạy môn hợp ca tại trường Quốc gia Âm nhạc, rồi Đại học Đà Lạt. Di tản qua Mỹ, ông cũng sinh hoạt âm nhạc rất thành công cho tới ngày qua đời vào năm 1988.

Linh mục Tiến Dũng cũng được nhắc tới nhiều về kiến thức âm nhạc.  Học nhạc tại Roma xong, cha về liên tục dạy nhạc nhiều nơi, kể cả trường Quốc gia Âm nhạc, rồi làm khoa trưởng Nhân văn nghệ thuật tại Đại học Minh Đức.  Linh mục còn lập trường ‘Suối nhạc’ năm 1968 dạy mọi thứ về âm nhạc. Cha qua đời năm 2005.

Về những ca nhạc sĩ Công giáo khác đã và đang nổi danh, không kể các vị chỉ sinh hoạt về thánh ca, chúng ta có  Trần thiện Thanh (Nhật Trường), Hoàng Oanh, Hoài Bắc, Trúc Giang, Thu Hồ, Đức Huy, Ngọc Huệ, Vũ Khanh, Khánh Ly, Như Mai, Từ công Phụng, Châu đình An, Anh Bằng, Việt Dũng, Tuấn Vũ, Ngọc Lan, Trúc Hồ, Anh Dũng, Kim Anh, Vũ thành An, Tuấn Đức, Trúc Sinh, và còn nhiều nữa.

Tất cả những ca nhạc sĩ Công giáo đã tỏ ra yêu nghệ thuật trình diễn, qua đó góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam, nhất là vẽ lên và giữ lại những sắc thái và hình ảnh Việt Nam qua âm nhạc, kể cả phần ca múa đi kèm.  Mong sao những ước mơ cao đẹp của các nghệ sĩ Công giáo còn tiếp tục khởi sắc, chung tay đẩy mạnh và bảo tồn những thứ cao quý của dân Việt.

Trở Lại Trang Văn Hóa