Ngôi Lời Mặc Xác Phàm

Lm Đinh Đức Hảo

Hình ảnh tiêu biểu của thế hệ gọi là Gen Z hay iGen tại Mỹ (sinh từ 1995 đến 2012) là một người cầm iPhone hoặc smartphone. Ngay từ bé, thế hệ này đã quen thuộc với việc sử dụng rộng rãi internet, smartphones, social media. Các bạn trẻ thuộc thế hệ này đã dành nhiều thời giờ cho “texting” và nối kết qua “social media,” và có ít giờ hơn để gặp gỡ bạn bè và ngay cả gia đình. Hậu quả là rất nhiều em sớm bị lo âu, trầm cảm, cô đơn ở mức độ cao, theo lời giáo sư tâm lý Jean Twenge tại San Diego State University.

Những phương tiện hiện đại nói trên giúp ích cho việc thông tin và liên lạc, nhưng không thể thay thế được những gặp gỡ “diện đối diện,” qua đó con người nối kết, bày tỏ cảm xúc, chia vui sẻ buồn. Thiên Chúa, Đấng dựng nên con người “giống hình ảnh mình” (Sáng thế 1:26-28), biết chúng ta cần có sự nối kết, gặp gỡ. Chính Ngài là một Thiên Chúa với ba ngôi vị, vì theo nhà thần học Gustavo Gutierrez, một Thiên Chúa tình thương không thể là một ngôi vị đơn độc. Con người vì vậy “ở một mình thì không tốt” (Sáng thế 2:18); con người phải thuộc về một tập thể (gia đình, cộng đoàn, xã hội). Chính trong tập thể mà chúng ta phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa một cách ý nghĩa nhất.

Đối với loài người, Thiên Chúa rõ ràng là Đấng thích trao đổi, đồng hành, và ngồi cùng bàn để chia sẻ.

Trong cuộc lữ hành của dân Do Thái từ Ai Cập về Đất hứa, Thiên Chúa hằng đồng hành, gần gũi với họ. Sách Xuất hành cho biết “Đức Chúa đi đằng trước họ: ban ngày thì ở trong cột mây để dẫn đường, ban đêm thì ở trong cột lửa để soi sáng” (Xuất hành 13:21). Nhưng Thiên Chúa không giống máy GPS dẫn đường cho dân khỏi đi lạc. Ngài thực sự muốn đi bên họ vì thương mến, muốn chăm lo cho họ.

Khi dân Do Thái dừng chân, họ lại có thể gặp Thiên Chúa và “thỉnh ý Chúa tại Lều hội ngộ” ở bên ngoài trại (Xuất hành 33:7-11). Lều hội ngộ là cung thánh tạm thời, chứa Hòm bia Giao ước, là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân. Điều này cho thấy đây là một Thiên Chúa thích gặp gỡ, hội ngộ với dân mình, chứ không xa cách.

Cuối cùng, chính Con Thiên Chúa đã đến thế giới, trở nên bạn đồng hành, và còn là người anh em với chúng ta. Ngài “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Gioan 1:14). Đồng thời Ngài thực sự là Thiên Chúa. Theo lối nói trong kinh Tin kính, Ngài là “Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật.

Một phần quan trọng trong sứ vụ loan Tin mừng của Chúa Giêsu là gặp gỡ, tiếp xúc với đủ hạng người trong xã hội – giàu sang cũng như nghèo khó và bị khinh miệt, tốt lành cũng như tội lỗi, những người cần chữa lành về thể lý cũng như những kẻ cần phục hồi về tâm linh.

Chúa lại hay ngồi đồng bàn, bẻ bánh, ăn uống với đủ thứ người, kể cả kẻ bị xã hội coi là quân tội lỗi. Chính trong những lần gặp gỡ và chia sẻ gần gũi như vậy, dân chúng nhận ra Tin mừng sống động nơi Chúa Giêsu. Ngài rao giảng Tin mừng qua lời nói, qua các dấu lạ, và qua cả cách đối xử với dân chúng. Đó là dấu hiệu cho thấy triều đại của Thiên Chúa đã đến tuy chưa tới chỗ thành toàn.

Con Thiên Chúa mặc xác phàm là một tín điều, một giáo thuyết độc đáo của Kitô giáo. Tuy nhiên đây cũng là một thử thách vì là một mầu nhiệm vượt trên suy nghĩ và tưởng tượng của con người. Các môn đệ của Chúa Giêsu thật có phúc vì được thấy Chúa, gần Chúa, nghe Chúa, ăn uống với Ngài. Nhưng cũng không dễ khi tiếp cận với Đấng vừa rất người (very human) lại vừa là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật (true God from true God, or very God of very God).

Chúa Giêsu trông bề ngoài thì thật là con người, nhưng lại giảng dậy như Đấng có thẩm quyền (Mát-thêu 7:29), và các dấu lạ Ngài làm khiến đám đông “kinh ngạc trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa” (Lu-ca 9:43). Như một con người, Ngài có lúc đói, khát, mệt mỏi (Mác-cô 11:12; Gio-an 4:6-7), nhưng lại có khả năng thần linh khi hoá bánh và cá cho hằng ngàn người no nê (Mát-thêu 14:13-21).

Sau khi Chúa Giêsu trỗi dậy từ cõi chết và lên trời, mắt con người không thấy Ngài như trước. Nhưng Ngài vẫn tiếp tục hiện diện trong Giáo hội, trên thế giới, qua Thần khí, qua Lời hằng sống, qua các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh thể. Sự hiện diện tuy vô hình nhưng lại hữu hiệu hơn, khiến Ngài trở nên “available” cho nhiều người hơn, tại bất cứ nơi nào và lúc nào.

Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể đã là một thử thách cho các môn đệ và người cùng thời. Còn mầu nhiệm Thánh thể thì sao, có dễ cho chúng ta tin hơn chăng?

Khác với mầu nhiệm Nhập thể (Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa, lại vừa là con người – mà mắt có thể thấy), mầu nhiệm Thánh thể đòi chúng ta tin rằng điều mắt chúng ta thấy (bánh và rượu) thực sự là Mình và Máu Chúa.

Đối với người không có niềm tin vào bí tích Thánh Thể, sự hiện diện thật của Chúa trong bí tích này là vô nghĩa, vì không thấy được, không kiểm chứng được. Một vị mục sư Tin lành cho rằng nếu người Công giáo thực sự tin rằng Chúa Giêsu hiện diện thật trong Thánh thể, họ sẽ không muốn rời nhà thờ.

Như nói ở trên, Thiên Chúa đồng hành với dân Ngài và muốn gặp gỡ họ (nơi Lều hội ngộ). Bây giờ Lều hội ngộ có mặt tại các nhà thờ Công giáo, được gọi là Nhà tạm. Trong tiếng Anh, Nhà tạm gọi là “Tabernacle” với nghĩa đen là chiếc lều, nơi trú ngụ tạm bợ. Đoạn Phúc âm bằng tiếng Hy Lạp diễn tả rất sống động việc Con Thiên Chúa làm người: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và đã cắm lều giữa chúng ta” (pitched his tent among us) (Gio-an 1:14). Con Thiên Chúa “camping” giữa lòng nhân loại gợi lại hình ảnh Thiên Chúa ở trong lều phía ngoài trại khi dân Do Thái dừng chân.

Trong Lều tạm hay Nhà tạm ở Nhà thờ, chúng ta không có Hòm bia Giao ước, nhưng có Thánh thể của Chúa Giêsu, thực sự hiện diện, trong niềm tin của Giáo hội. Ngài thực sự “cắm lều” giữa chúng ta. Và Ngôi Lời, một khi đã làm người, tiếp tục hiện diện giữa lòng nhân loại cho đến tận thế (Mt 28:20).

Trở lại trang Phụng Vụ