Mùa Ngóng Trông

Lm Đinh Đức Hảo

“Do You Hear What I Hear” là một bài hát Giáng sinh quen thuộc và khá hay cả về cung điệu lẫn lời ca. Bản này có từ cuối năm 1962, do Gloria Shayne Baker và Noël Regney sáng tác. Một điều có thể ít ai biết là hai người đã sáng tác bài hát này như một lời cầu xin hòa bình ngay trong cuộc khủng hoảng về võ khí nguyên tử Liên Xô ở Cuba, từ 16 đến 28 tháng 10 năm 1962. Sau đó họ đã chính thức phổ biến bài hát ngay sau ngày Thanksgiving năm ấy.

Ông Regney cho biết ông đã có cảm hứng viết lời cho bài hát khi ông thấy những trẻ thơ và mấy bà mẹ trên đường phố tại New York trong thời kỳ này. Trong khi nét mặt người lớn xem ra đăm chiêu vì những đe dọa từ dàn hỏa tiễn tại Cuba, hai em bé ngồi trong những xe đẩy (strollers) nhìn nhau và nhoẻn miệng cười.  Ông hình dung các em bé như những con chiên non, và nghĩ ra câu “Said the night wind to the little lamb…” (Làn gió đêm thì thào với con chiên nhỏ bé…), rồi những câu khác như “Do you see what I see… a star…? Do you hear what I hear… a song…? Do you know what I know… a child…?” (Bạn có thấy điều tôi thấy… một vì sao…? Bạn có nghe điều tôi nghe… một bài ca…? Bạn có biết điều tôi biết… một trẻ thơ…?).

Rồi bà Baker, khi ấy là vợ ông, đã soạn nhạc dựa trên lời ông viết. Ông cũng là nhạc sĩ, và thường soạn nhạc, còn bà Baker thì viết lời; nhưng lần này thì ngược lại.  Rốt cuộc giòng nhạc thánh thót của bà quyện với những lời như thơ êm ái của ông đã làm nên một bài ca Giáng sinh bất hủ.

May thay, cuộc khủng hoảng đã sớm kết thúc khi lãnh tụ Xô-viết Nikita Khrushchev chấp nhận rút hoả tiễn khỏi Cuba và Tổng thống Mỹ John Kennedy cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ không xâm chiếm Cuba.  Về sau, người ta mới nhận ra vai trò quan trọng của Đức giáo hoàng Gioan XXIII khi ngài lên tiếng trên Vatican Radio kêu gọi các chính phủ “đừng làm ngơ như điếc trước tiếng kêu than của nhân loại.  Họ phải làm mọi sự trong quyền hạn của mình để cứu vãn hoà bình. Nghĩa là họ phải giúp thế giới tránh sự khủng khiếp do chiến tranh với những hậu quả kinh hoàng không thể ước lượng được.  Họ phải tiếp tục đàm phán, (để chứng tỏ) trước lịch sử rằng con người còn có lương tâm.” Ngày hôm sau, các báo chí trên toàn thế giới, kể cả tờ Pravda của Liên Xô, đăng tin về sứ điệp này.  Lời kêu gọi này đã cho Khrushchev một lối thoát danh dự.  Lúc này, quyết định rút hoả tiễn khỏi Cuba là một hành vi gìn giữ hoà bình, chứ không phải là một việc của kẻ hèn nhát.

Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” là lời sứ thần và thiên binh hợp xướng trong đêm Con Thiên Chúa chào đời tại Bêlem (Luca 2:14).  Đây là bình an đến từ Thiên Chúa và Vương quyền của Ngài, được khai mào với việc Con Thiên Chúa, Thái tử Bình an, đến trần gian.  Bình an cũng là lời chúc của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ khi Ngài phục sinh từ cõi chết, toàn thắng quyền lực sự dữ.

Đại lễ Giáng sinh với sứ điệp bình an bởi trời, một cách nào đó, mang lại cho nhân loại cảm nghiệm an bình và niềm hy vọng, dù sống giữa những bất ổn và xung đột.  Biến cố Con Thiên Chúa làm người cho thấy Thiên Chúa thực sự là một thành phần của gia đình nhân loại, chứ không phải là một vị thần xa vời, xa cách.  Như người anh, như bạn đồng hành, Chúa Giêsu cho biết chúng ta không đơn độc, nhất là giữa những đau khổ.  Hình ảnh một hài nhi nhỏ bé, sinh trong cảnh nghèo như người vô gia cư, lại càng đánh động cõi lòng con người, dù là thuộc thành phần nào. Đây là một vua không dựa vào quyền bính và võ lực, nhưng lại có sức chinh phục cõi lòng, mang lại bình an chân thật.

Bình an mà Chúa mang lại không chỉ là vắng bóng xung đột, mà là sự bình an trong sự rộng mở, hoà hợp, hiệp nhất trong liên hệ với Thiên Chúa, với người khác, với cõi tạo thành (Thiên, Địa, Nhân).  Chúa Giêsu trong ba năm cuối đời cho thấy chính Ngài là Tin mừng Bình an sống động qua việc gần gũi với đủ hạng người và đặc biệt chiếu cố đến những ai đau khổ, tội lỗi, bị hất hủi.

Trong sứ điệp Ngày Thế giới Hoà bình đầu năm 1973, vào thời kỳ chiến tranh ác liệt tại Việt Nam và giữa căng thẳng tại vùng Trung Đông (dẫn đến cuộc chiến Yom Kippur tháng 10 cùng năm), Đức giáo hoàng Phaolô VI nhấn mạnh: hoà bình là điều có thể thực hiện được, và hoà bình đích thực không chỉ là chấm dứt chiến tranh, mà phải được xây dựng trên công bình, chân lý, tình thương, và tự do.  Như thế có nghĩa là khi chiến tranh kết thúc, không nhất thiết đã có hoà bình.

Khi theo gương đồng hành, hoà hợp của Chúa Giêsu và lời dạy của Thánh giáo hoàng Phaolô VI, chúng ta cũng có thể tìm được bình an đích thực trong cộng đoàn, trong gia đình và trong chính cõi lòng mình.  Bao lâu chúng ta tự nguyện sống rộng mở và quan tâm đến người khác, biết đối xử theo lẽ công bình và sự thật, chúng ta trở thành người mang lại hoà bình cho những người chung quanh, và bình an cho chính mình.  Trở ngại vẫn có đó, và chúng ta có thể phải chịu thiệt thòi, nhưng không ai có thể lấy mất bình an ngự trị trong lòng chúng ta.

Những tuần lễ từ Thanksgiving Day cho đến đại lễ Giáng sinh là thời gian dân chúng tại Mỹ háo hức, nhộn nhịp mua sắm quà để tặng nhau.  Đây là truyền thống hằng năm làm thay đổi nhịp điệu cuộc sống, giúp chúng ta có cơ hội ý thức về liên hệ với người thân.

Còn đối với người Kitô hữu, thời gian này là mùa Vọng hay mùa ngóng trông Đấng Cứu Thế, là Quà tặng tuyệt vời nhất cho nhân loại từ Thiên Chúa.  Trước đây mùa này được gọi là “mùa Át,” gọi tắt chữ Latin “Adventus” (Advent, Arrival of a King), ám chỉ việc Chúa Cứu thế đến với nhân loại.  Cũng có thể hiểu “Vọng” như niềm hy vọng đặt nơi Chúa là Đấng đã đến và sẽ đến.  Mấy tuần đầu mùa Vọng hướng chúng ta về ngày Chúa sẽ đến trong vinh quang.  Từ Chúa nhật III mùa Vọng, hoặc từ ngày 17 tháng 12, Giáo hội mới nhắc chúng ta chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh.

Chúa lại vẫn đang đến với chúng ta mỗi ngày, qua lúc cầu nguyện, trong phụng vụ, qua những gì xảy ra trong cuộc sống, và qua những người chúng ta gặp gỡ, v.v.  Chúa là Đấng Emmanuel – hằng ở cùng chúng ta, không hề xa cách hoặc vắng bóng; nhưng liệu chúng ta có nhận biết Ngài vẫn đang hiện diện, đang tỏ mình qua những hình thức nói trên?

Để nhận biết Ngài, hãy khao khát Ngài, mở lòng cho Ngài và cho con người.  Như vậy, không chỉ có mùa Vọng mới là mùa ngóng trông, mà mỗi ngày là một ngày trông mong, với cánh cửa cõi lòng rộng mở cho Đức Kitô (khẩu hiệu Năm thánh 2000).

Trở lại trang Phụng Vụ