Lm Đinh Đức Hảo
4 tháng 3 năm 2019
Trên lịch Công giáo treo tường, một số ngày có hình con cá. Những ngày này là những ngày kiêng thịt, hoặc vừa kiêng thịt lại vừa ăn chay, theo truyền thống Công giáo, và thuộc về một thời gian gọi là mùa Chay. Nghe nói đến một mùa có vẻ kiêng khem khắc khổ như vậy, chúng ta có thể cảm thấy không hứng khởi như mùa Vọng. Ấy vậy mà Giáo hội lại gọi mùa này là mùa hân hoan! Xin bạn hãy từ từ nhìn lại những gì chúng ta vẫn làm trong mùa Chay, và sẽ thấy mùa Chay coi vậy mà không phải vậy.
Xức tro
Mùa Chay bắt đầu với lễ Tro, sớm nhất là vào ngày 4 tháng 2, trễ nhất là ngày 10 tháng 3. Vào ngày lễ Tro, khi nhận tro trên trán, chúng ta công khai nhìn nhận hai điều: (1) mình là tội nhân, và (2) thân phận phải chết, phải trở về bụi tro. Nhiều người sau khi được xức tro vẫn giữ nguyên tro trên trán khi đi làm, gây chú ý cho các bạn đồng nghiệp.
Gần đây một số anh chị em Tin lành thuộc phái Evangelical, vốn không có cử hành phụng vụ, cũng đã bắt đầu làm nghi thức xức tro để đánh dấu ngày khởi đầu mùa Chay. Một số nhà thờ lại còn xức tro kiểu “drive-in” cho những khách bộ hành hoặc người lái xe ngang qua nhà thờ của họ!
Khi ý thức mình là tội nhân, điều đó có thể giúp chúng ta tỉnh ngộ, sống mỗi ngày cho rộng rãi hơn, nghĩ đến người khác, đến Thiên Chúa, từ đó sẽ thấy cuộc sống ý nghĩa hơn, vui hơn. Rồi khi biết cuộc sống mình có giới hạn, có lúc phải ra đi, chúng ta sẽ trân trọng từng ngày, “mỗi ngày chọn một niềm vui.”
Ăn chay, kiêng thịt
Điều thứ hai chúng ta làm trong ngày này, cũng như ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, là kiêng thịt cũng như ăn chay. Những ngày thứ Sáu khác trong mùa Chay thì chỉ kiêng thịt.
Nhiều tôn giáo có truyền thống ăn chay, nhưng không giống nhau về cách thức hoặc ý nghĩa (sẽ được trình bày trong một bài viết khác). Theo truyền thống Công giáo, ăn chay có nghĩa là (1) bớt ăn, và (2) kiêng thịt.
Bớt ăn thế nào? Vào ngày chay, chúng ta ăn một bữa no, hai bữa đói (hai bữa cộng lại vẫn ít hơn một bữa no), để phần nào cảm thấy đói, thấy thiếu ăn.
Kiêng thịt một ngày ở một xứ sở thừa mứa thịt đủ loại thì không phải là điều khó, nhất là khi có thể bù lại bằng cá, tôm, cua, có khi còn ngon hơn thịt! Điều quan trọng ở đây là không chỉ kiêng thịt mà còn nên kiêng ăn thứ mà mình thích, nhất là thứ đắt tiền, như là tôm hùm, cua biển!
ĐGH. Phanxicô có lần nói về cách ăn chay cho xong như sau: “Hôm nay là thứ Sáu, tôi không thể ăn thịt. Tôi sẽ nấu cho mình một món hải sản ngon lành… Tôi giữ luật kiêng thịt, tôi không ăn thịt mà… (Chúa Giêsu) đã lên án hình thức đạo đức như vậy của những người Biệt phái, luật sĩ, những người chỉ giữ những gì bề ngoài nhưng không thật sự trong lòng.”
Ăn chay và kiêng thịt không chỉ là một việc chúng ta làm vì luật. Ăn chay kiêng thịt có nhiều ý nghĩa: (1) Thống hối tội lỗi; (2) Chúng ta “không chỉ sống nhờ cơm bánh” [Mát-thêu 4:4], mà còn đói khát Chúa (3) Chúng ta liên đới với người đói, người nghèo là những người ngày nào cũng phải ăn chay, ăn thiếu thốn; (4) Khi bớt ăn uống, chúng ta dành tiền chia sẻ với người nghèo đói (có nghĩa: khi kiêng thịt, chúng ta cũng không ăn đồ biển đắt tiền).
Vào năm 2015, Đtc. Phanxicô còn nói rằng trong mùa Chay, chúng ta không kiêng thịt, ăn chay trong khi tự cho phép mình “lớn lên trong sự ích kỷ, khai thác người khác và bỏ qua người nghèo.”
Những ai phải kiêng thịt (Thứ Tư Lễ Tro, Thứ Sáu Tuần Thánh, và các thứ Sáu mùa Chay): Từ 14 tuổi trở lên.
Những người phải ăn chay (Thứ Tư Lễ Tro, Thứ Sáu Tuần Thánh): Từ 18 tuổi trở lên, cho đến sinh nhật thứ 59. Những ai quá tuổi, những người bệnh, người yếu sức, người mang thai, người làm việc lao động nặng, v.v. không phải ăn chay, kiêng thịt. Họ có thể làm một việc hy sinh hoặc bác ái (làm phúc).
Ăn chay cần dẫn đến làm phúc
Tác giả Mike Aquilina viết: “Chúa Giêsu trình bày việc làm phúc như là một phần phải có của đời sống người Kitô hữu. Ngài không nói bạn có cần làm phúc không, mà là khi nào. Giống như việc ăn chay và kiêng thịt, làm phúc là điều không cần bàn cãi.” Ông nói với báo Our Sunday Visitor rằng làm phúc là một điều “bị lơ là nhất” trong các thực hành mùa Chay, dù rằng trong Kinh thánh, cả ba việc – cầu nguyện, ăn chay và làm phúc – được nhắc đến cùng lúc.
Bà Mary DeTurris Poust, tác giả cuốn “The Complete Idiot’s Guide to the Catholic Catechism,” nói rằng “việc chia sẻ theo tinh thần đức tin thường rất giống với việc bố thí trong xã hội – có thể là rộng rãi, nhưng tách rời khỏi điều đã khiến việc bố thí trở thành làm phúc theo ảnh hưởng của Phúc âm.”
Cầu nguyện trong mùa Chay
Theo truyền thống Giáo hội, một trong những mục đích của việc ăn chay, kiêng thịt là giúp chúng ta ý thức mình cần Chúa, đói khát Chúa, chứ không chỉ đói khát cơm bánh. Những hình thức cầu nguyện và việc đạo đức nên làm trong mùa Chay, rồi dần dần có thể thành thói quen để áp dụng trong bất cứ mùa nào:
– Dự Thánh lễ ngày thường để được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh thể Chúa thường xuyên hơn.
– Đọc Kinh thánh, Phúc âm và suy niệm điều mình đọc. Lời Chúa có thể tác động đến cõi lòng, dẫn chúng ta đến sự hoán cải, làm hòa, từ đó chúng ta muốn lãnh bí tích Hòa giải.
– Chầu Mình thánh, ở bên Chúa trong tĩnh lặng.
– Đi Đàng Thánh giá, đồng hành với Chúa Giêsu trên đường tử nạn.
Mùa thanh tẩy và hoán cải
Trong tiếng Việt, chúng ta gọi mùa 40 ngày này là mùa Chay, có lẽ vì thời xưa, các tín hữu ăn chay trong suốt mùa này. Thời nay, chỉ còn lại hai ngày ăn chay là Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Tuy nhiên, trong tiếng La-tinh, mùa này gọi là “Quadragesima,” có nghĩa là “bốn mươi ngày.” Nhiều ngôn ngữ Âu châu cũng dùng từ ngữ tương tự như vậy (Ý: Quaresima; Tây Ban Nha: Cuaresma; Pháp: Carême). Thật ra, mùa Chay có 46 ngày, với 6 ngày “extra” là để bù vào 6 Chúa nhật không bao giờ được ăn chay.
Riêng tiếng Anh thì gọi mùa này là “Lent,” bắt nguồn từ chữ “Lencten” thuộc Anh ngữ cổ, có nghĩa là “mùa xuân,” vì mùa này trùng với thời gian khi ban ngày dần dần trở nên dài hơn ban đêm, dẫn đến mùa xuân.
Mùa Chay không chỉ là mùa nói về tội lỗi và thống hối, xức tro và kiêng thịt. Từ cuối thế kỷ IV, khi 40 ngày mùa Chay được thiết lập, mùa này đã gắn liền với việc người dự tòng chuẩn bị rửa tội vào dịp Phục sinh. Dần dần các Kitô hữu cũng cảm thấy mình cần đồng hành với các anh chị dự tòng. Từ đó mùa Chay được coi như một hành trình, hay một cuộc tĩnh tâm trong hoang địa, nhằm giúp cả người dự tòng cũng như Kitô hữu suy nghĩ về ơn Thanh tẩy và lời mời gọi sống ơn bí tích này.
Khi nhớ mình được Thiên Chúa tuyển chọn qua nước Thanh tẩy, chúng ta nhìn nhận những lỗi lầm trong liên hệ với Thiên Chúa, với người khác, và nhu cầu thống hối để được tha thứ, được diễn tả qua những dấu hiệu bên ngoài (xức tro, ăn chay, kiêng thịt). Quan trọng hơn cả là chúng ta được kêu gọi hoán cải (metanoia, chữ Hy Lạp, có nghĩa là thay đổi não trạng), sẵn sàng theo lối suy nghĩ và hành động mới. Theo lời của Đức tổng giám mục Daniel E. Pilarczyk, hoán cải “liên hệ đến việc xét lại những giá trị của chúng ta, và xem coi chúng phù hợp thế nào so với những giá trị mà Chúa Giêsu đưa ra cho những ai theo Ngài.”
Hỗ trợ các anh chị Dự tòng
Bên cạnh đó, theo truyền thống mùa Chay từ xa xưa, chúng ta đồng hành với một số anh chị em dự tòng chuẩn bị lãnh các bí tích khai tâm (Thanh tẩy, Thêm sức, Thánh thể). Vào Chúa nhật I mùa Chay, họ đến nhà thờ chính tòa để cử hành nghi thức Tuyển chọn (được tuyển chọn để lãnh các bí tích) sau khi qua nghi thức Sai đi ở xứ đạo. Vào các Chúa nhật III, IV, V mùa Chay, chúng ta cùng họ cử hành nghi thức Xét nghiệm. Một số khác chỉ chuẩn bị lãnh bí tích Thêm sức và Thánh thể nếu họ đã được rửa tội trong Công giáo hoặc các cộng đồng Kitô hữu khác.
Khi hiểu ý nghĩa những gì Giáo hội muốn chúng ta làm trong mùa Chay, chúng ta sẽ thấy mùa Chay thật là mùa Xuân (Lencten), mùa đổi mới, giống như cây cỏ tươi tốt, tràn đầy sinh khí vào mùa Xuân. Vì vậy, một kinh nhập lễ trong mùa Chay gọi đây là mùa hân hoan – chứ không phải là mùa rầu rĩ!