Chúa Hài-đồng lớn nhanh như thổi!

Lm Đinh Đức Hảo

Có thể nói rằng mùa Vọng bị văn hoá Âu-Mỹ, nhất là con buôn thời nay, đặc biệt là 24/24 “online shopping,” làm thay đổi ý nghĩa, biến thành một thời gian nhộn nhịp, bận rộn với việc mua sắm áo quần và quà cáp, trang hoàng nhà cửa và đi hội hè (“Christmas” parties).

Sự háo hức trước đại lễ Giáng sinh và một năm sắp đến là chuyện bình thường, nhưng khi lo toan quá về những gì bề ngoài, điều đó có thể làm lu mờ đời sống nội tâm, khiến quên đi những gì cần có trong cõi lòng vào mùa Vọng.  Giống như cô Martha lo toan quá nhiều chuyện mà không còn giờ ngồi bên chân Chúa để nghe chuyện, nói chuyện như cô Maria (Luca 10:38-42).  Thay vì là một mùa chuẩn bị cõi lòng và cuộc sống cho Chúa là Đấng đã đến, đang đến, và sẽ đến, mùa Vọng trở nên ồn ào hơn, vội vã hơn, khiến tâm trí chúng ta khó mà lắng đọng để cảm nhận vẻ đẹp sâu xa của mùa chờ đợi và hy vọng này.

Sau mấy tuần nhộn nhịp như vậy, khi đến chính lễ mừng Con Chúa giáng trần, nhiều người đã thấm mệt, và coi như lễ Giáng sinh đã xong.  Đối với Giáo hội, tối 24 tháng 12 chỉ mới là lúc bắt đầu mừng kính và chiêm ngắm Ngôi Lời mặc xác phàm.  Màu nhiệm Nhập thể quá tuyệt vời, nên chỉ mừng một ngày thì không đủ; phải có tuần Bát nhật (Tám ngày, Octave) rồi cả mùa Giáng sinh để hưởng nếm, để “suy niệm trong lòng” theo gương Đức Mẹ (Luca 2:19).

Đối với Trinh nữ làng Nazareth, mùa Vọng đã bắt đầu chín tháng trước, 25 tháng 3, ngày Sứ thần truyền tin cho Mẹ, ngày Ngôi Lời bắt đầu sự sống mong manh trong lòng Mẹ, ngày màu nhiệm Nhập thể khởi đầu (Phải chăng vì đã có 9 tháng 10 ngày trong lòng mẹ, người Việt chúng ta nghĩ rằng khi ra đời đã là một tuổi?).  Rồi Đức Mẹ tiếp tục “ghi nhớ những điều ấy và suy niệm trong lòng,” có lẽ trong cả cuộc đời mình.  Sự tuyệt vời của biến cố Con Thiên Chúa làm người cũng có thể khiến chúng ta kéo dài mãi sự chiêm ngắm, chứ không dừng lại khi hết mùa Giáng sinh.

Tuy nhiên Chúa Hài đồng xem ra lớn nhanh như thổi trong mùa Giáng sinh!  Với lễ Hiển linh, Hài nhi Giêsu đã ngót nghét hai tuổi, rồi đến Chúa nhật cuối mùa Giáng sinh, Đức Giêsu đã thành người lớn, chịu phép rửa bởi tay ông Gioan!  Đó là chưa kể bài Phúc âm trong lễ Thánh Gia, vài ngày sau lễ Giáng sinh, đã như một băng hình được vặn nhanh (fast-forwarded), cho thấy Hài nhi đã thành một cậu thiếu niên 12 tuổi tại Đền thờ tại Giêrusalem và ở lại đó, khiến mẹ cha hú hồn!

Tại sao Giáo hội không để chúng ta tiếp tục ngắm nhìn Chúa Hài-đồng cho đến hết mùa Giáng sinh? “He’s so cute!” (theo lối nói của người Mỹ).  Chẳng lẽ Giáo hội cũng bắt chước trào lưu sống vội của thời nay?

Thật ra, lễ Giáng sinh không chỉ là một lễ mừng sinh nhật của Chúa Cứu Thế.   Đây còn là lễ và mùa nhằm giúp chúng ta nhận biết sự tỏ hiện, sự hiển linh (epiphany, manifestation) của Thiên Chúa trong thế giới loài người.  Cả ba lễ Giáng sinh, Hiển linh, và lễ Chúa chịu phép rửa đều cho thấy Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại, trước là cho các mục đồng (những người nghèo), rồi đến các đạo sĩ (dân ngoại), và khi Chúa đã trưởng thành thì tỏ mình cho dân Do Thái lúc chịu phép rửa do tay ông Gioan.

Ba lần hiển linh hay tỏ mình này đều có những dấu hiệu từ trời: sứ thần loan tin và các thiên thần ca hát tại Bêlem, ngôi sao dẫn đường đến với Hài nhi, tiếng nói từ trời về Con yêu dấu của Thiên Chúa.

Hơn thế, ý nghĩa Chúa hiển linh hay tỏ hiện càng rõ ràng khi chúng ta nhìn vào lịch sử Giáo hội.  Biến cố Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu đã được cử hành ngay từ ban đầu.  Sau đó là lễ Hiển linh, bắt đầu cũng khá sớm, ít nhất là từ thế kỷ thứ hai.

Khi ấy, Giáo hội Đông phương (nói tiếng Hy Lạp) mừng việc Chúa đến thế giới vào ngày 6 tháng 1, bao gồm 4 biến cố: Giáng sinh, các đạo sĩ kính viếng Hài nhi (Hiển linh), Chúa chịu phép rửa, và dấu lạ tại tiệc cưới ở Cana.  Vào thế kỷ IV, biến cố Giáng sinh và Hiển linh đã được tách rời thành hai lễ tại một số địa phương.   Nhưng mãi đến năm 567, tại công đồng Tours, Giáo hội mới chính thức ấn định lễ Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12, và lễ Hiển linh vào ngày 6 tháng 1, rồi gọi 12 ngày giữa đó là mùa Giáng sinh.

Trong Giáo hội Tây phương (nói tiếng La Tinh), lễ Hiển linh (Epiphany) nói về việc Chúa tỏ mình cho các đạo sĩ từ phương Đông, còn trong Giáo hội Đông phương, lễ Hiển linh (Theophany) lại liên hệ đến việc Chúa chịu phép rửa tại sông Giođan.

 

Tóm lại, ý nghĩa của màu nhiệm Giáng sinh sẽ phong phú hơn nếu chúng ta nhìn biến cố Chúa giáng trần trong liên hệ với những lần tỏ hiện khác của Chúa.  Điều đó cho thấy Chúa muốn tự giới thiệu mình cho các thành phần dân Chúa cũng như cho dân ngoại.  Tuy nhiên, chỉ đến lúc Chúa Giêsu chết trên thập giá, một số mới nhận ra Ngài là ai, trong đó có một đại đội trưởng quân đội Roma, một người lương dân.  Khi Chúa sắp lên trời, một số môn đệ vẫn còn hoài nghi!  Phải đến khi Thánh Thần Thiên Chúa được ban tặng, các môn đệ mới thực sự tin và đi giới thiệu Chúa Giêsu cho đồng bào và lương dân.

Đằng khác, ngày Chúa ra đời chỉ là một ngày, dẫn đến những ngày, tháng, năm sau đó trong cuộc đời của Ngài.  “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế…” (kinh Tin kính). Chúa xuống thế vào ngày chào đời và tiếp tục ở trong thế giới giữa lòng nhân loại.  Theo Phúc âm Gioan, “Ngôi lời đã làm người và đã cắm lều giữa chúng ta” (Gioan 1:14).  Ngài muốn được chúng ta đón nhận và chào đón hôm nay, mỗi ngày, chứ không chỉ vào dịp lễ Giáng sinh.

Trở lại trang Phụng Vụ