Lm. Đinh Đức Hảo
Trong kinh Tin kính các Tông đồ có nói đến “các thánh thông công” (communion of saints). Mầu nhiệm này diễn tả sự hiệp thông mật thiết giữa chúng ta, những người đang sống trên trần gian, và những người đã ra đi: các thánh, và các linh hồn còn đang được thanh luyện trước khi được ở bên Chúa muôn đời.
Ba ngày lễ tiêu biểu cho mầu nhiệm các thánh thông công: Lễ Các Thánh (1 tháng 11), lễ Các Linh Hồn (2 tháng 11), lễ Cung hiến nhà thờ Laterano (9 tháng 11) là nhà thờ chính tòa Roma, nhà thờ mẹ của các nhà thờ, biểu tượng của Giáo hội lữ hành. Ba lễ tượng trưng cho Giáo hội khải hoàn, Giáo hội thanh luyện, và Giáo hội chiến đấu (Church triumphant, penitent, militant).
Trong mỗi Thánh lễ lại có những lời nguyện diễn tả sự hiệp thông giữa chúng ta với nhau (“Lạy Chúa, xin nhớ đến Hội Thánh Chúa lan rộng khắp hoàn cầu, để kiện toàn Hội thánh trong đức mến…”). Bên cạnh đó là những lời nói lên liên hệ với các linh hồn (“Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại…”), và với các thánh (“cho chúng con được đồng hưởng sự sống đời đời cùng với Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, …. và toàn thể các thánh… qua mọi thời đại…”).
Nhưng ai là các thánh? Chúng ta nghĩ đó là các vị được Giáo hội tôn lên hàng hiển thánh. Tuy nhiên, ngày lễ Các Thánh, 1 tháng 11, là ngày tôn vinh tất cả những ai đang ở bên Chúa, dù không có tên trong danh sách các thánh của Giáo hội. Những vị này có thể bao gồm ông bà tổ tiên của chúng ta cũng như những người chúng ta không biết đến.
Thánh Phaolô còn gọi các tín hữu đang sống trên trần gian là “các thánh” hay “thuộc dân thánh” (2 Côrintô 1:1; Côlôssê 1:2; Êphêsô 1:1). Nhưng trong thư 1 Côrintô, thánh nhân có phần do dự, gọi các tín hữu là những người “được kêu gọi nên thánh!” “Thánh nhân” ở đây không có nghĩa là người đã hoàn toàn tốt lành, nhưng có nghĩa: được dành riêng cho Thiên Chúa (set apart for God), được thánh hoá (sanctified) trong Đức Kitô Giêsu, được kêu gọi nên thánh.
Lối nói “các thánh thông công” diễn tả liên hệ mầu nhiệm giữa người sống và kẻ chết có từ bao giờ? Theo nhiều sử gia thì lối nói này đến từ Thánh Nicetas thành Remesiana (sống khoảng năm 335-414), và đã có ảnh hưởng đến việc soạn kinh Tin kính. Mầu nhiệm các thánh thông công dựa trên giáo huấn của Thánh Phaolô (Rôma 12:4-13; 1 Côrintô 12), theo đó thánh nhân so sánh cộng đoàn Kitô hữu với một thân thể, với Đầu là Chúa Giêsu Kitô (Mystical Body of Christ).
“Các thánh thông công” trong kinh Tin kính các Tông đồ được dịch từ mấy chữ La tinh “Communio sanctorum.” Từ ngữ này có hai nghĩa: Thứ nhất, chia sẻ và tham dự vào những sự thánh [sancta]; thứ hai, hiệp thông giữa các thánh [sancti] (Xem Giáo lý HT Công giáo 946-948).
Theo Chính thống giáo thì màu nhiệm thông công còn bao gồm cả các thiên thần nữa. Các giáo phái Tin lành (Lutheran, Anglican, Methodist, Reformed) cũng tin vào sự thông công này, tuy rằng chỉ nhắc đến các thánh trên Thiên đàng (Giáo hội khải hoàn) và các tín hữu trên trần gian (Giáo hội chiến đấu), chứ không nói tới các linh hồn trong luyện ngục (Giáo hội thanh luyện), vì họ cho rằng ý niệm về luyện ngục không có căn bản trong Kinh thánh. Tuy nhiên các giáo phái này vẫn cầu cho các linh hồn đã qua đời vì Kinh thánh Cựu ước có nói đến việc anh em nhà Maccabê gởi 12,000 quan tiền về đền thờ Giêrusalem để xin các tư tế dâng hy lễ cầu cho những chiến sĩ trận vong (2 Maccabê 12:38-46).
Thông công trong Thánh thể là hiệp thông tuyệt vời, là tham dự vào sự sống của chính Thiên Chúa. Vì vậy việc rước lễ được gọi là “Holy Communion” hay là Hiệp thông thánh thiện. Trong phụng vụ Byzantine Đông phương, linh mục bắt đầu việc trao Mình Thánh Chúa với câu “Những sự thánh cho dân thánh.”
Một ngày kia có người đến thăm một cha sở tại một đảo nhỏ ở vùng biển Aegean, kế Địa Trung Hải. Ông hỏi: “Thưa cha, có bao nhiêu người thường đi lễ ở đây mỗi Chúa nhật?” Vị linh mục đáp: “Ồ, khoảng mười cho đến mười hai ngàn người.” Người khác kinh ngạc nói: “Đây là một hòn đảo tí hon và nhà thờ lại nhỏ bé. Những người ấy đến từ đâu và làm sao mà nhà thờ có đủ chỗ cho họ?” Cha sở mỉm cười đáp: “Tất cả những ai từng sống ở đảo này từ khi Tin Mừng được loan báo hiện đang ở đây… Khi hát Thánh, Thánh, Thánh, chúng ta hiệp thông với tất cả những ai từng thờ phượng Thiên Chúa ở nhà thờ này.”
Các nhà thờ Chính thống giáo có nhiều hình ảnh các thánh ở gần cung thánh là vì vậy. Phụng vụ liên kết chúng ta với các thánh trong phụng vụ thiên quốc. Thêm vào đó, thay vì dùng chữ thánh hoá (sanctification) quen thuộc trong Công giáo và Tin lành, thần học Chính thống giáo dùng chữ thần linh hoá (divinization). Thánh Athanasiô (296-373) đã từng nói: “Con Thiên Chúa đã làm người để chúng ta có thể được thần linh hoá.”
Khi hiểu sự thần linh hoá, hay thánh hoá, theo nghĩa tăng trưởng dần dần, chúng ta thấy nhẹ nhõm hơn khi được gọi là “thánh!” Cũng vậy, các nhà thần học u châu nói rằng chúng ta vẫn đang trở nên Kitô hữu, chứ chưa hoàn toàn là Kitô hữu đâu!
Hy vọng tháng 11 nhắc chúng ta ba điều:
- Kêu xin các thánh cầu bầu cho mình;
- Cầu nguyện cho các linh hồn đang được thanh luyện sớm lên Thiên đàng;
- Ý thức về sự thông công với “các thánh” đang sống trên trần gian, ngay trong cộng đoàn, trong gia đình của mình, và cùng nhau nên thánh hơn mỗi ngày.