Lm. Giuse Nguyễn Văn Thư
Dựa theo sách ‘Khâm-định Việt sử’ của nhà Lê, vào năm 1533 có giáo-sĩ Tây-Âu tên là I-nê-khu (Inácio trong tiếng Bồ-đào-nha, Íñigo hoặc Ignacio trong tiếng Tây-ban-nha) theo đường biển vào giảng đạo ‘Gia-tô’ ở làng Ninh-Cường, Bùi-Chu. Mãi cho tới nay, người ta vẫn chưa rõ linh-mục này thuộc dòng tu nào. Sổ-sách chính-thức của Giáo-hội Việt-Nam chưa dám xác-nhận chi-tiết của chuyện này.
Nối tiếp bước chân của cha I-nê-khu là các tu-sĩ thuộc nhiều dòng tu khác nhau như Đa-minh, Phan-xi-cô và dòng Tên. Cha Gaspar de Santa-Cruz, dòng Đa-minh, tới vùng Hà-Tiên thuộc miền Nam vào năm 1550. Chỉ tám năm sau, hai linh-mục dòng Đa-minh khác tới vùng Quảng-Nam giảng đạo, rồi bất ngờ bị người Chiêm-Thành giết chết và được coi là những vị truyền-giáo ngoại-quốc tiên-khởi được ơn tử-đạo tại Việt-Nam.
Các tu-sĩ dòng Tên tới miền Bắc trước, nhưng sớm bị cấm-cách và xua đuổi, nên từ năm 1613 tìm cách vào ‘đàng Trong’, bắt đầu là Cửa Hàn. Khu phố Hội An bấy giờ là nơi gia-thương phồn-thịnh, nhất là có nhiều kiều dân Nhật-Bản ghé buôn bán. Các ngài lập ra hội ‘thày giảng’ với thày Âu-cơ-tinh là người Việt. Tới năm 1624, giáo-sĩ Đắc-lộ, nổi tiếng với công-trình phát-triển chữ ‘quốc-ngữ’, ra công giảng cho dân chúng với nhiều thành-quả đáng kể. Cũng dịp này, cha Pina đã rửa tội cho bà Minh-đức Vương-thái-phi có nhiều quyền thế, và bà đã góp nhiều công-trạng cho việc truyền-giáo thời đó. Phải đợi tới ngày 19 tháng 3 năm 1627, cha Đắc-lộ và cha Marquez mới ‘long-trọng’ đổ bộ vào Cửa Bạng, tỉnh Thanh-Hóa. Hai cha được chúa Trịnh trọng-dụng và gây được nhiều thành quả rất khả-quan. Cũng vì ngày ý nghĩa này mà Giáo-hội Việt-Nam đã quyết định chọn Thánh Giu-se (lễ vào ngày 19 tháng 3 hàng năm) làm bổn-mạng chung. Tại xứ Bắc, từ tổ-chức thày-giảng, các cha đã lập ra ‘nhà Đức-Chúa-Trời’, nhằm đào-tạo ra những linh-mục Việt-nam tiên-khởi. Sau khi bị trục-xuất khỏi miền Bắc, cha Đắc-lộ lại vào miền Nam và tìm cách xin chúa Nguyễn thôi cấm đạo. Thành công rồi thất-bại nối tiếp nhau. Nơi đây cha đã có một đệ-tử xuất-chúng người Việt là thày giảng An-rê, được coi là người chứng thứ nhất đổ máu đào tử đạo. Khi phải rời Việt-Nam, cha đã tìm cách xin Rô-ma đặt tòa giám-mục tại đây, và ý-nguyện này đã được thực hiện với hai giám-mục tiên-khởi: Đức cha François Pallu (ở đàng Ngoài) và Đức cha Pierre Lambert de la Motte (ở đàng Trong ) vào năm 1658.
Những tháng ngày tử-đạo đẫm máu
Sau khi được tấn-phong, Đức cha Pallu về Pháp xin các cha dòng Thánh-thể tiếp tay lập ra hội Thừa-sai Ba-lê để tuyển thừa-sai qua cộng-tác với các dòng tu khác. Nhờ vậy mà năm 1668 đã có linh-mục tiên-khởi người Việt là cha Trang, rồi kế là cha Bền. Qua năm 1670 có công-đồng đầu tiên định rõ hướng đi đạo Chúa tại đây. Dòng Mến Thánh Giá tiên khởi cũng thành-hình năm đó.
Mọi việc lẽ ra thành-tựu ngoài sức mong muốn, nếu không có những đợt cấm đạo gay-gắt, bắt đầu từ thời Trịnh, Nguyễn và kéo dài cho tới khi Pháp tới đô-hộ. Và lúc dòng Đa-Minh được trao nhiều trọng-trách thì cũng là lúc gặp rất nhiều sóng-gió. Nhà Tây-Sơn bách-hại đạo cũng thật khủng-khiếp, qua mối hận chúa Nguyễn-Ánh được Đức cha Bá-đa-Lộc nâng đỡ (với ước mong sau này đạo Chúa được dễ dàng truyền bá).
Vua Gia-Long khi lên ngôi năm 1802 còn nể đạo Chúa, nhưng các quan trong triều cản-trở, cộng thêm nhiều lời phản-đối của nhiều tăng ni Phật-giáo, nên dần dà lạnh-nhạt và lãnh-đạm. Rồi vua kế vị là Minh-Mạng bắt đầu chính-thức cấm đạo, khởi-sự rất gay-gắt tại miền Trung. Nhưng rồi toàn quốc tràn lan máu các anh hùng tử đạo. Kế vua Minh-Mạng là vua Thiệu-Trị có vẻ nới tay hơn, nhưng qua thời vua Tự-Đức thì lại cấm cách thật dữ-dội.
Từ hạt ‘lúa mì’ tiên-phong là thày giảng An-rê Phú-Yên ngã xuống, người ta đếm được hơn 130 ngàn tín-hữu Công-giáo đã dâng-hiến mạng sống vì danh Chúa. Giáo-hội chỉ chọn 117 vị có thành-tích và chứng-cớ lẫy lừng để phong thánh vào năm 1988, trong đó có 21 vị thừa sai người ngoại-quốc; còn Bùi-chu là giáo-phận có con số được phong thánh cao nhất là 26 vị. Linh-mục thừa sai Pháp Joseph Marchand (cố Du) là người chịu đau-đớn nhất với cực-hình ‘bá đao’ năm 1835. Trong số các thánh tử đạo, có cụ già cao niên nhất là linh-mục Luca Loan (84 tuổi) và cậu chủng-sinh Tô-ma Thiện mới có 18 xuân xanh. Vị nữ-lưu duy-nhất lãnh triều-thiên tử đạo là bà thánh An-nê Thành (Đê). Dù bị bá-đao, lăng-trì, thiêu-sinh, xử trảm hay xử giảo hoặc chết rũ tù, các ngài vẫn một lòng trung-kiên với đức-tin cao-cả. Hiện nay, cứ vào ngày 24 tháng 11 hàng năm, Giáo-hội hoàn-vũ mừng kính các ngài, được gọi là lễ Thánh An-rê Dũng-Lạc (Linh-mục bị chém đầu năm 1839 ) và các bạn Tử-đạo Việt-Nam.
Những tháng ngày trưởng-thành
Cho tới năm 1933, năm mà Giáo-hội Việt-Nam hãnh-diện có vị giám-mục địa-phương tiên-khởi là Đức cha Nguyễn-bá-Tòng, phụ-tá giáo-phận Bùi-Chu, và hai năm sau trở thành giám-mục chính-tòa Phát-Diệm, người ta vẫn thấy Giáo-hội phát-triển đều-đặn dưới sự điều-khiển của các vị giám-mục thuộc hội Thừa-sai Ba-lê, và sau là các vị thuộc dòng Đa-minh. Năm 1934, Đức khâm-sứ Dreyer đã hoan hỉ khai-mạc công-đồng Đông-Dương đầu tiên tại Hà-Nội.
Khi triều-đình Việt-Nam ký hòa-ước 1884 nhận sự bảo-hộ của Pháp, các giáo-phận được thong-dong phát-triển, tuy vẫn còn những vụ trả-thù và phá-hoại của những nhóm quá-khích đây đó. Nhiều thánh-đường nguy-nga được dựng lên, đặc biệt nhất là nhà thờ đá tại Phát-diệm xuất hiện do tài xây-cất của cha Trần-Lục. Các dòng tu khác nhau du-nhập Việt-Nam. Các chủng-viện được thiết-lập. Tân tòng tràn ngập các giáo-xứ. Các trường Công-giáo đua nhau đào tạo các mầm non cho đất nước. Nguyệt-san đầu tiên “Sacerdos Indosinensis” được xuất bản năm 1927. Riêng tại các giáo-phận được trao cho dòng Đa-minh coi sóc (Hải-Phòng, Thái-Bình, Bùi-Chu, Bắc-Ninh, Lạng-Sơn), các nghi-thức phụng-vụ theo truyền-thống Tây-ban-nha đã đem thêm nhiều sinh-thái cho Giáo-hội.
Người ta tính rằng, vào năm 1933, đã có 1 triệu 300 ngàn giáo-hữu ( 10%) trong số 13 triệu dân Việt. Năm 1936 đức cha người Việt thứ hai được tấn-phong là Hồ-ngọc-Cẩn. Từ vai-trò làm phó, ngài đã thành giám-mục chính-tòa Bùi-Chu chỉ vài tháng sau đó. Rồi nối-tiếp sau đó là các đức cha Hồ-ngọc-Cẩn, Ngô-đình-Thục, Phan-đình-Phùng, Lê-hữu-Từ, Phạm-ngọc-Chi, Trịnh-như-Khuê, Hoàng-văn-Đoàn v.v…..
Hiệp-định Geneva 1954 đã mang lại sự thay đổi lớn lao. Đa số giáo-hữu đã trốn chạy chế-độ Cộng-sản để di-cư vào Nam. Nhờ có Tổng-thống Ngô-đình-Diệm, các giáo-xứ mới được thành-lập mau chóng, qua sự phối-trí củađ Đức cha Phạm-ngọc-Chi. Ngoài Bắc, Giáo-hội co cụm giữa gặp nhiều khó khăn. Việc thay thế các giám-mục và linh-mục già yếu trở thành nan-đề to lớn. Tuy vậy, giáo-dân vẫn kiên-trì giữ vững đức tin bên cạnh các chủ chăn. Tại miền Nam, 21 năm tự do giúp cho việc mở mang đạo được tốt đẹp. Cơ-sở Giáo-hoàng Học-viện Piô X tại Đà-Lạt, nơi đào tạo linh mục theo tiêu chuẩn cao, là một dấu hiệu tăng trưởng đáng kể. Tới năm 1960, Tòa thánh chính- thức thiết-lập hàng Giáo-phẩm Việt-Nam, thời Đức giáo-hoàng Gio-an XXIII. Ba giáo-tỉnh Hà-Nội, Huế, Sài-gòn, được thành-hình. Tới năm 1975, miền Nam có 15 giáo-phận và miền Bắc có 10. Ai nấy đều vui-mừng và hết lòng khen ngợi, coi Giáo-hội Việt-Nam chỉ đứng sau Giáo-hội Phi-luật-tân trong vùng trời Đông-Nam Á-Châu.
Giáo-hội Việt-Nam ngày nay
Với đợt I bị Cộng sản tràn ngập năm 1954 tại miền Bắc và đợt II trên toàn lãnh-thổ năm 1975, Giáo-hội Việt-Nam vẫn tồn-tại và tìm cách đứng vững. Với khoảng 8% dân số là Công-giáo, chúng ta hiểu vai-trò sống đạo và truyền đạo tại quê nhà vẫn là ưu-tiên hàng đầu của mọi thành-phần dân Chúa. Nếu tính từ năm 1533 đến 2018, hạt giống đức tin đã được gieo trồng trên quê hương Việt Nam được 485 năm trường. Vào dịp kỷ niệm 350 năm có giám mục tông toà và 50 năm có hàng Giáo-phẩm, các vị lãnh-đạo đã nhấn mạnh sứ-mạng truyền đạo của mỗi người.
Từ năm 1964, Giáo-hội Việt-Nam cổ võ việc tôn-kính tổ-tiên cũng như những nghi-thức thực-hành. Việc này đã giúp đẩy mạnh việc truyền-giáo mà trước đây ít nhiều đã bị trở ngại cũng như sự chống đối của các người ngoài đạo Chúa. Thêm vào đó, hướng đi hội nhập văn-hóa và phát-huy truyền-thống dân-tộc cũng tạo nên thiện-cảm, song song với nỗ-lực đối-thoại với các tôn-giáo bạn đã làm cuộc sống đạo được hài-hòa hơn khá nhiều.
Nói cho trung-thực thì tuy sống trong một chế độ Cộng-sản vô-thần toàn-trị, Giáo-hội Việt-Nam xem ra có nhiều điểm may-mắn hơn nhiều Giáo-hội khác đang trong cùng một hoàn-cảnh. Tuy còn gặp vô số hạn-chế và khó-khăn, các tín-hữu vẫn có cơ-hội tới dự các lễ-nghi tại nhà thờ, cũng như các chủ-chăn vẫn được cử-hành các bí-tích. Cách riêng, ơn gọi đi tu vẫn triển nở theo chiều-kích khá lạc-quan, trong cả 26 giáo-phận cũng như các dòng tu hiện nay.
Điều may-mắn đáng nói hàng đầu là Giáo-hội Việt-Nam vẫn chưa có bóng dáng của những giám-mục ‘quốc-doanh’ nỡ tâm quay lưng lại với Tòa-thánh để lập ra Giáo-hội ‘yêu nước’ như tại Trung-Hoa. Sau năm 1954, hầu hết các giám-mục miền Bắc nêu gương can-đảm kiên-cường không chịu khuất-phục trước áp-lực của nhà nước. Rồi từ tháng 4 năm 1975, đặc biệt là mới đây, một số người cũng đôi khi nêu lên mối hiểm-nguy tương-tự. Trong Hội-đồng Giám-mục hiện tại, một số vị có bản-chất hòa-nhã và dễ dãi trong việc ‘hợp-tác’ ít nhiều với nhà cầm quyền, nhưng cũng có nhiều vị có thái-độ cương-quyết và cứng-rắn. Biến-cố Tổng-giám-mục Ngô-quang-Kiệt đã gây một tiếng vang lớn xa gần.
Thành-phần giáo-dân bây giờ cũng đóng một vai-trò trọng-yếu cho việc góp tiếng nói xây-dựng chung. Các phương-tiện truyền-thông tân-tiến cũng góp phần không nhỏ vào việc trao-đổi và thông-tin hàng dọc cũng như hàng ngang. Dù nhà nước luôn muốn hạn-chế và kiểm-soát mọi sinh-hoạt nội-bộ của Giáo-hội, các vị chủ chăn vẫn tìm mọi phương-thế để khỏi bị lệ-thuộc quá đáng.
Tòa-thánh Vatican cố gắng dùng bao năm kinh-nghiệm trong lịch-sử để tìm ra một lối đi thích-đáng cho Giáo-hội Việt-Nam. Dẫu lúc nào cũng có thể xảy ra những lầm-lỡ, hy-vọng thế-giới theo chiều hướng toàn cầu giúp tránh được những bế tắc.
Trong nội-bộ, ngưởi ta vẫn được phép hy-vọng rằng mọi sa-sẩy rồi sẽ được bù-đắp, cũng như mọi sai-lầm, dù cá-nhân hay tập-thể, rồi cũng sẽ được sửa chữa. Với con mắt lạc-quan, ta tin rằng đôi khi trong cái rủi lại có cái may ló dạng đâu đó. Với đức tin vững mạnh, chúng ta tựa vào bàn tay hướng-dẫn và soi-sáng của Chúa Thánh-Linh cho Giáo-hội Việt-Nam, trong mọi biến cố và trên mọi nẻo đường.