Lm. Đinh Đức Hảo
Trong hai năm liền, 2017 và 2018, vào ngày Giáo lý hằng năm (Catechetical Sunday), Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ nhắc đến từ ngữ “missionary disciples.” Đây là lối dùng chữ của Đức thánh cha Phanxicô trong tông huấn “Niềm vui của Tin mừng” vào năm 2013. Trong bản dịch tiếng Việt của tông huấn nói trên, “missionary disciples” được gọi là “những môn đệ truyền giáo.”
Theo một cách dịch khác, “missionary disciples” là “những môn đệ làm chứng.” Nói cho rõ hơn, đó là những người đi theo con đường của Chúa Giêsu (môn đệ) và rồi tìm cách giới thiệu Chúa cho người khác (chứng nhân).
Nhiều năm trước đây, một mục sư có một ví von sống động về việc loan truyền Tin mừng. Theo vị này, việc loan Tin mừng giống như một người vô gia cư khám phá một chỗ cho ăn uống vừa miễn phí lại vừa thân thiện, nên đi giới thiệu cho các bạn của mình biết mà đến. Đây là cảm nghiệm của người không giấu được niềm vui lớn lao đến với mình, nên phải chia sẻ điều ấy cho người khác.
Có khi nào bạn nghĩ niềm tin vào Chúa mang lại cho mình niềm vui? Tin mừng mà chúng ta vẫn nhắc đến có thực sự mang lại niềm vui mừng cho bạn? Có bao giờ bạn nghĩ mình phải giới thiệu Chúa cho người chưa biết, chưa tin vào Ngài? Hay bạn coi đó là việc của các nhà truyền giáo?
Khi nói về truyền giáo, chúng ta thường nghĩ đến các vị thừa sai đi các nước rao giảng và rửa tội cho nhiều người, đưa họ vào Giáo hội. Thật ra việc truyền giáo, việc loan Tin mừng còn có mục đích sâu xa hơn thế. Có thể có những người không theo Kitô giáo khi nghe giảng Tin mừng, nhưng trong thực tế lại chịu ảnh hưởng của con đường, của lối sống Tin mừng (theo con đường của Chúa dù chưa vào đạo).
Anh chị em Tin lành thường dùng chữ “truyền đạo” thay vì “truyền giáo.” Chữ “đạo” vừa có nghĩa là tôn giáo, lại vừa được hiểu là con đường, lối sống. Chính Chúa Giêsu nói Ngài là “con đường” (Gioan 14:6). Nếu hiểu như thế, “truyền đạo” mang ý nghĩa rộng hơn và phong phú hơn là “truyền giáo,” mặc dù chúng ta vẫn mong mỏi có thêm nhiều người gia nhập Giáo hội. Khi có nhiều người thực sự đi theo con đường của Chúa Giêsu, vương quyền của Thiên Chúa (Reign of God, Kingdom of God) lan rộng. Đó là điều chúng ta vẫn cầu xin khi đọc kinh Lạy Cha: “(nguyện) Nước Cha trị đến.”
Bạn vẫn có thể nghĩ “truyền đạo không phải là trách nhiệm chính của tôi.” Cách đây không lâu, một ông người Đại Hàn ở Việt Nam vừa theo đạo Chúa và gặp một người bạn Công giáo tại Hà Nội. Ông hứng khởi nói rằng mình đã mời được mấy người tin theo Chúa Giêsu. Rồi ông hỏi người bạn một cách tự nhiên: “Anh theo đạo đã lâu, vậy chắc anh phải đưa được nhiều người đến với Chúa?” (truyền đạo). Ông người Việt nói: “Tôi lo giữ đạo cho mình còn chưa xong” (giữ đạo).
Trong tông huấn “Niềm vui của Tin mừng,” Đức thánh cha Phanxicô viết: “Mọi Kitô hữu đều là người truyền giáo theo mức độ họ đã gặp gỡ tình thương của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô” (số 120).
Vị giáo hoàng tiền nhiệm, Bênêđictô XVI, thì nói: “Thành người Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa luân lý hoặc một ý tưởng cao quý, nhưng đến từ việc gặp gỡ với một biến cố, một ngôi vị mang lại cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng đi quyết định” (Thông điệp “Thiên Chúa là tình yêu”).
Sứ mạng truyền giáo hay làm chứng đã được trao phó ngay khi chúng ta lãnh bí tích Thanh tẩy – với ơn Chúa Thánh Thần, rồi được nhấn mạnh hơn qua bí tích Thêm sức. Như vậy, chúng ta cũng như các vị Tông đồ (nghĩa đen: những người được sai đi, những “thừa sai”), được Chúa sai đi làm chứng cho Ngài, giới thiệu Tin mừng cho những người chung quanh.
Đến đây, bạn có thể cảm thấy do dự: “Tôi không đủ hiểu biết về niềm tin, về Phúc âm, về giáo lý để làm chứng cho Chúa.” Ông người Đại Hàn trong câu chuyện nói trên, khi mới nhận biết và tin theo Chúa, đã tìm cách mời gọi người khác theo Ngài. Ngay trước khi Chúa lên trời, có một số các môn đệ vẫn hoài nghi, nhưng Chúa vẫn trao cho họ trách nhiệm loan báo Tin mừng (Mátthêu 28:17). Ai trong chúng ta cũng có giới hạn của mình, nhưng khi ý thức Chúa Thánh Thần mới là Thầy dậy và là sức mạnh trong mình, chúng ta có thể tin tưởng làm chứng cho Chúa. Chính việc làm chứng sẽ thúc đẩy chúng ta tìm cách biết Chúa hơn qua việc cầu nguyện, đọc Kinh thánh, học hỏi thêm về niềm tin.
“Thầy đây. Đừng sợ!” Chúa phục sinh đã trấn an các môn đệ ẩn náu sau cửa khóa kín. Hôm nay, Đấng phục sinh vẫn đang sống giữa chúng ta và cũng nói với bạn như vậy. Hãy ra khỏi phòng, ra đi loan truyền niềm vui được biết Chúa cho người chung quanh.