Lối Sống Kitô hữu

Lm. Đinh Đức Hảo

Vào khoảng giữa thập niên 1980, các chức sắc lãnh đạo giáo phận Công giáo San Jose có nhận xét như sau về ba sắc dân Á châu Công giáo trong vùng: người Việt Nam chăm chỉ đi lễ và lãnh các bí tích, người Trung Hoa có tinh thần nhóm, người Đại Hàn hăng hái truyền đạo.  Nhận định này nói chung khá đúng, tuy rằng cũng tuỳ người trong mỗi sắc dân, và không nhất thiết mỗi nhóm đã hoàn hảo về điều nổi bật nơi họ.

Cả ba đặc điểm nói trên đều cần thiết trong đời sống đạo: thờ phượng Chúa, liên đới với cộng đoàn, ra đi làm chứng cho Tin mừng.  Có thể nói đây là những điều kiện “ắt có và đủ” của người thực sự “đi đạo” – đi theo con đường của Chúa Giêsu.  Thủa ban đầu, những người tin vào Chúa Giêsu được gọi là “những người theo con đường” (Công vụ 9:2). Về sau, tại Antiochia, họ mới được gọi là “Kitô hữu” (Công vụ 11:26).

Người chỉ đến nhà thờ, tham dự các nghi lễ mà không mấy quan tâm đến cộng đoàn, đến việc giới thiệu Chúa cho người khác thì niềm tin vẫn là chuyện riêng tư.  Ai chỉ thích sinh hoạt cộng đoàn mà không tha thiết với việc thờ phượng Chúa hoặc truyền đạt niềm tin của mình thì mới chỉ là một thành viên của một tổ chức.  Người chỉ lo truyền giáo, mà không có đời sống cầu nguyện gắn bó với Chúa và với anh chị em trong gia đình đức tin thì sẽ không mang lại nhiều kết quả.

Tuy nhiên, khi một Kitô hữu tha thiết với việc truyền đạo, đó là dấu hiệu thông thường của một người đã được Tin mừng của Chúa đánh động, gặp gỡ Chúa, và yêu mến cộng đoàn.  Và như lời Đức hồng y Nguyễn Văn Thuận, khi nói chuyện với cộng đồng Công giáo người Việt tại San Jose năm 2000, “Một cộng đoàn Kitô hữu chưa quan tâm đến việc truyền giáo là một cộng đoàn chưa trưởng thành.”

 

Thờ phượng Thiên Chúa

Chính Chúa Giêsu, giữa những bận rộn, đã dành thời giờ đến hội đường và đền thờ để cầu nguyện với cộng đoàn, và có lúc lên núi cầu nguyện một mình.  Ngài có thời giờ cho con người và cũng có giờ cho Chúa Cha.  Ngài là mẫu mực của đời sống ở trong Cha và có Cha trong mình (Gioan 14:11).  Ngài nhấn mạnh là phải thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật (Gioan 4:24), chứ không chỉ dựa vào hình thức.  Việc chúng ta thờ phượng Thiên Chúa, dù là đọc kinh, dự lễ,… phải bắt nguồn từ cõi lòng rộng mở cho Thiên Chúa.

Hơn thế, Chúa Giêsu còn gắn bó với Cha mình trong cuộc sống, làm mọi sự theo ý Cha, và coi đó là của ăn (Gioan 6:38; Gioan 4:34).  Đây là dấu hiệu của sự thờ phượng, yêu kính Chúa Cha “hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn” (Mátthêu 22:37).  Việc thờ phượng Chúa của chúng ta cũng phải đi với cuộc sống, hầu cho “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời,” và góp phần làm cho vương quyền Thiên Chúa, “Nước Chúa trị đến.”

 

Liên đới với cộng đoàn

Chúa Giêsu đã chọn mười hai môn đệ thân tín, cũng được gọi là các tông đồ (người được sai đi).  Các vị cùng ở bên Chúa, mắt thấy tai nghe những lời Chúa giảng, những việc Chúa làm, và có những lúc được Chúa sai đi rao giảng, chữa lành, trừ quỷ.  Khi con số những người tin vào Chúa Giêsu gia tăng, họ cũng quy tụ thành những cộng đoàn, “chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Công vụ 2:42).  Họ cũng gây chú ý qua lối sống chứng nhân, nên được gọi là “những người theo con đường” của Chúa Giêsu (Công vụ 9:2).

Cuộc sống đức tin cần đến cộng đoàn (communal faith), vì chúng ta thuộc về Dân Chúa, và là những chi thể của Thân thể mầu nhiệm với Đầu là Chúa Kitô.  Nói như thế có nghĩa đức tin của chúng ta có tính cá nhân (personal) nhưng không riêng tư đơn độc (private).  Đức tin là ân huệ từ Thiên Chúa, và cũng được truyền đạt cho chúng ta qua gia đình và cộng đoàn.  Chúng ta tin vào Chúa như những cá nhân và như một tập thể.  Lòng tin cá nhân có thể yếu đuối, nhưng chúng ta được nâng đỡ nhờ niềm tin của cộng đoàn.

 

Làm chứng cho Tin mừng

Khi nhận được tin vui mừng, chúng ta thường muốn khoe hoặc chia sẻ với người khác.  Dù cố giấu giếm, niềm vui trong lòng vẫn bộc lộ ra một cách nào đó.  Cách bộc lộ có khi không như chúng ta nghĩ, như câu “khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.”  Khác với nỗi buồn, một khi được chia sẻ thì giảm bớt, niềm vui sẽ trọn vẹn hơn khi được người khác biết đến.

Thật vậy, niềm vui mừng khi gặp gỡ Chúa, sự xúc động khi cảm nghiệm lòng thương xót của Ngài không thể bị kềm hãm.  Trinh nữ Maria đã vội vã lên đường đến nhà bà chị họ Isave, với Tin mừng mới bắt đầu trở thành xác phàm trong lòng mình (Luca 1:42).

Trước khi loan truyền niềm vui như thế, chúng ta phải thực sự đón nhận Tin mừng mà Chúa loan báo, thực sự gặp gỡ Tin mừng sống động là chính Chúa Giêsu.  Tin mừng này không nhất thiết “vừa tai” chúng ta, có khi rất đòi hỏi, nhưng mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, làm thăng hoa tình người.  Tin mừng này còn củng cố niềm hy vọng giữa cơn thử thách.  Thánh Phêrô dạy: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 Phêrô 3:15).

Bạn có mang niềm vui không kềm hãm được trong lòng (cannot contain yourself)?  Bạn có sẵn sàng làm dụng cụ cho Thánh Thần Thiên Chúa thở sinh khí (Thần khí trong tiếng Do Thái là “Ruah” – hơi thở) và làm bùng dậy lửa mến, đổi mới bộ mặt trái đất?

Trở lại trang Đi Đạo