Chúa Ở Đâu?

Lm Đinh Đức Hảo

Ai ở California cũng biết tiểu bang này có động đất và cháy rừng.  Riêng tại miền nam Cali mà thôi, mỗi năm có khoảng 10,000 vụ động đất, nhưng hầu hết là rất nhẹ nhàng, không dễ nhận ra.  Chỉ có vài trăm lần đất rung cỡ 3.0 Richter và 15 đến 20 lần rung mạnh hơn 4.0.  Còn cháy rừng thì xảy ra cỡ 60,000 đến 100,000 lần hằng năm trên toàn tiểu bang, thiêu rụi từ 4 đến 5 triệu mẫu tây (acres), tuy rằng truyền thông chỉ nói đến những trận cháy lớn.

Hai đám cháy gọi là Camp Fire ở miền bắc Cali và Woolsey Fire tại miền nam vào tháng 11 năm nay gây kinh ngạc và kinh hoàng vì tốc độ và sự tàn phá của chúng.  Nhất là Camp Fire được coi là đám cháy gây thiệt mạng cao nhất trong lịch sử California, đã khiến 77 người chết (tính cho đến ngày 19 tháng 11).

Xứ đạo St. Thomas Moore tại Paradise bị mất hội trường và văn phòng, nhưng may mắn là vẫn còn nhà thờ và trường học.  Có điều là không biết cộng đoàn này có còn giáo dân nữa không, khi có tới 10,000 nhà ở bị thiêu rụi.

Thật là oái oăm, khi nơi được gọi là “Paradise” (Thiên đàng) nay bị lửa thiêu rụi và tàn phá.  Giới truyền thông chơi chữ, chạy những tít lớn như “Hell in Paradise” (AFP), “From Paradise to Hell” (PBS), “Paradise turns to Hell” (DNA India News).

Đã có tiên đoán là những nạn nhân của đám cháy tại Paradise năm nay sẽ khó mà có khả năng xây lại nhà, dù có được tiền bảo hiểm, vì nhiều người thuộc thành phần già và không có lợi tức như vùng Napa và Sonoma, nơi cũng bị cháy và mất 5,300 căn nhà vào tháng 10 năm ngoái.  Người ta lo ngại rằng sẽ có hằng ngàn người trở thành vô gia cư.  Các viên chức chính phủ đang nghĩ đến việc dùng “trailers” hoặc những hình thức ở tạm bợ cho những người mất nhà.

Giữa tai hoạ này, cũng như những thiên tai khác, một sớm một chiều gây đảo lộn cuộc sống, những nạn nhân bị khủng hoảng tâm lý và có thể cả khủng hoảng đức tin.  Sẽ có những câu hỏi mà không dễ có câu trả lời thoả đáng: Tại sao tôi lại khốn khổ thế này? Ngày mai sẽ ra sao? Chúa ở đâu? Chúa có quan tâm đến gia đình tôi không?

Hằng ngàn năm trước, sách ông Gióp trong Kinh thánh Cựu ước đã nêu ra nhiều vấn nạn về những đau khổ mà người vô tội như ông Gióp phải chịu một cách vô lý.  Tác phẩm nói đến sự đau khổ của ông khi mất tất cả (con cái, chiên bò, tài sản, sức khoẻ,…).  Bà vợ ông mỉa mai bảo rằng liệu ông có còn ráng sống tốt lành nữa hay không, và “hãy nguyền rủa Chúa rồi chết đi cho rồi.” Còn bạn bè thì đến để an ủi, nhưng cũng đổ lỗi cho ông, khiến ông thêm đớn đau.  Thời Cựu ước, người ta cho rằng con người bị tai hoạ hoặc bệnh tật là vì họ tội lỗi.  Chính các môn đệ của Chúa Giêsu cũng nghĩ rằng một người mù bẩm sinh là do tội của chính anh hoặc của cha mẹ anh ta.  Nhưng Chúa Giêsu nói: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh đã phạm tội.

Thiên Chúa cũng chẳng cho ông Gióp câu trả lời thỏa đáng.  Tuy vậy, ông tiếp tục tin cậy vào Thiên Chúa.  Rốt cuộc, ông Gióp đã đứng vững là nhờ ông cảm nghiệm Chúa ở bên mình trong cơn hoạn nạn.  Quỷ đã thua cuộc khi quả quyết với Thiên Chúa là ông Gióp sẽ chẳng còn tốt lành và tin tưởng vào Ngài một khi ông ta bị tai hoạ.

Trong thời đại của chúng ta, con người tiếp tục thắc mắc khi sự dữ xảy ra cho người tốt lành, cho trẻ vô tội (cũng là tựa đề một cuốn sách: “When Bad Things Happen to Good People” của tác giả Harold S. Kushner).  Có nhiều cố gắng để trả lời vấn nạn: Chúa thử thách người lành như thử vàng trong lửa, bên cạnh tai hoạ còn có những hồng ân, Chúa quan phòng, đời này chóng qua và Chúa sẽ bù đắp cho ở đời sau, v.v.  Tuy nhiên, cách tốt nhất khi đến với người đau khổ là đừng nói nhiều, mà hãy lắng nghe để họ có cơ hội bộc lộ cõi lòng, và làm những gì có thể được để giúp đỡ.  Sự hiện diện cảm thông là điều họ cần.  Dần dần, đến lúc nào đó, họ sẽ rút ra bài học cho chính mình.

Một ngày kia, một số sinh viên đến hỏi một vị giáo trưởng Do Thái giáo: “Tại sao Thiên Chúa là Đấng tốt lành mà lại để cho những người vô tội chịu đau khổ?”  Vị giáo trưởng im lặng một lát rồi nói: “Tôi cũng chẳng có câu trả lời.  Nhưng tôi biết một điều: Thiên Chúa ở bên họ và khóc với họ.

Trở lại trang Đi Đạo